Wn/vi/Chuyên gia Mỹ lo ngại Trump lạc quan trước COVID-19
Thứ 4, ngày 4 tháng 3 năm 2020
- 2 October 2021: Wn/vi/Iran truy nã Trump
- 13 August 2021: Wn/vi/Sữa nhân tạo giống hệt sữa bò
- 13 August 2021: Wn/vi/Mỹ yêu cầu Taliban không đánh Đại sứ quán Mỹ trong trận chiến sắp tới ở thủ đô Afghanistan
- 13 August 2021: Wn/vi/Tranh chấp Địa Trung Hải: Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đối thoại
- 13 August 2021: Wn/vi/Trump muốn xét nghiệm chống doping trước khi tranh luận với Biden
- 13 August 2021: Wn/vi/Hà Nội có thêm 19 ca nghi mắc COVID-19, trong đó 4 người ở phố Đội Cấn, Ba Đình
- 13 August 2021: Wn/vi/WHO kêu gọi hợp tác điều tra nguồn gốc Covid-19, không chính trị hóa vấn đề
- 13 August 2021: Wn/vi/Liên hợp quốc hỗ trợ Việt Nam gần 10 triệu liều vaccine COVID-19
- 9 August 2021: Wn/vi/Viện Hàn lâm điều chế thành công chế phẩm điều trị COVID-19
- 1 August 2021: Wn/vi/Tình hình COVID ở Seychelles có thể kiểm soát được
Khi nỗi sợ COVID-19 tăng cao, nhà sử học John M. Barry lo ngại chính quyền Trump phớt lờ bài học về đại dịch cúm năm 1918.
Mùa xuân năm 1918, một chủng cúm mới hoành hành trong các doanh trại quân đội của cả hai phe tham gia Thế chiến I ở châu Âu. Nhiều binh sĩ bị nhiễm bệnh, nhưng cả Anh, Pháp, Đức và các nước châu Âu khác đều giữ bí mật về dịch cúm vì không muốn đối thủ chiếm được lợi thế.
Tây Ban Nha, quốc gia trung lập trong Thế chiến I, lại có phản ứng trái ngược. Ngay khi dịch cúm tấn công nước này, chính phủ và báo chí Tây Ban Nha đã thông tin một cách chính xác, thậm chí cả chuyện nhà vua bị nhiễm bệnh.
Do đó, nhiều tháng sau, khi dịch cúm bùng phát và lan ra toàn cầu, cướp đi sinh mạng của 50-100 triệu bệnh nhân, nhiều người tin rằng nó khởi phát từ Tây Ban Nha, đơn giản vì quốc gia này đã nói ra sự thật.
Dịch cúm đó sau này được gọi tên là "cúm Tây Ban Nha", dù các chuyên gia cho rằng nó có nguồn gốc từ Đông Á. Claude Hannoun, chuyên gia hàng đầu về dịch cúm năm 1918 của Viện Pasteur, nhận định loại virus đó nhiều khả năng khởi phát từ Trung Quốc, sau đó biến đổi ở Mỹ rồi lan sang Pháp và khắp châu Âu.
Giờ đây, khi nỗi sợ về nCoV lan khắp nơi, nhà sử học John M.Barry, tác giả cuốn sách "Đại dịch cúm: Câu chuyện về dịch cúm nguy hiểm nhất trong lịch sử", lo ngại chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quên bài học về một trong những đại dịch nghiêm trọng nhất thế giới, đó là không được che giấu sự thật.
Trump tuần trước tuyên bố một cách lạc quan rằng với những gì Mỹ đang làm, nguy cơ COVID-19 gây ra với nước này là "rất thấp". Trước đó, ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định COVID-19 sẽ "biến mất" khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, Robert Redfield, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), lại có quan điểm ngược lại, khi cho rằng COVID-19 sẽ "tiếp tục tồn tại trong thời gian tới".
Khi đợt bùng phát cúm Tây Ban Nha thứ hai tấn công toàn cầu, châu Âu đã hoàn toàn kiểm duyệt tin tức về nó. "Mỹ không làm như vậy, nhưng họ gây áp lực để mọi người không nói về những điều tiêu cực", Barry nói.
Thông tin về cuộc chiến chống đại dịch cúm Tây Ban Nha được Ủy ban Thông tin Đại chúng Mỹ (CPI) kiểm soát chặt chẽ. Nhà báo Arthur Bullard thuộc CPI từng nói "Sức mạnh của một ý tưởng nằm ở giá trị truyền cảm hứng, mà không nằm nhiều ở tính đúng sai của thông tin".
CPI đã công bố hàng nghìn câu chuyện lạc quan về nỗ lực của Mỹ trong nỗ lực chống đại dịch cúm Tây Ban Nha và thường được các tờ báo đăng lại nguyên văn. Do đó, khi dịch cúm Tây Ban Nha lan khắp nước Mỹ vào mùa thu năm 1918, cả chính phủ và truyền thông nước này cùng tiếp tục thực hiện "chiến lược màu hồng" để không làm công chúng mất tinh thần.
Tổng thống Woodrow Wilson khi đó không có bất kỳ tuyên bố nào, bởi ông cho rằng không có lý do gì đáng báo động nếu nước Mỹ "tuân thủ các biện pháp phòng ngừa thích hợp".
Barry cho biết điều khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn là trong đại dịch cúm Tây Ban Nha, thông tin về virus không được truyền thông đăng tải đúng thực tế. Ngày 28 tháng 9 năm 1918, giới chức thành phố Philadelphia cho phép 200.000 người tham gia cuộc diễu hành gây quỹ cho phe Đồng minh trong Thế chiến I, bất chấp cảnh báo của các chuyên gia y tế.
Cuộc diễu hành vẫn được tổ chức theo kế hoạch và 48 tiếng sau, cúm Tây Ban Nha đã hạ gục thành phố này. Nhưng ngay cả khi ra lệnh đóng cửa trường học, cấm tụ tập đông người, giới chức thành phố vẫn tuyên bố đó không phải là biện pháp y tế cộng đồng và cho rằng không có lý do để đưa ra báo động.
Philadelphia trở thành một trong những nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch cúm Tây Ban Nha ở Mỹ. Người chết la liệt mỗi ngày và họ được chôn cất trong những ngôi mộ tập thể. Hơn 12.500 cư dân thành phố đã tử vong, theo Philadelphia Inquirer.
Khi đại dịch hoành hành suốt tháng 10 năm đó, người Mỹ có thể tận mắt thấy "những lời trấn an vô nghĩa" của giới chức địa phương và liên bang hoàn toàn không đúng. Cuộc khủng hoảng niềm tin này đã dẫn tới những tin đồn về các phương pháp chữa bệnh không có thật và biện pháp phòng ngừa không cần thiết.
Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã cướp đi sinh mạng của gần 700.000 người Mỹ, trong đó có Frederick Trump, ông nội đương kim Tổng thống Mỹ. Thậm chí tổng thống Mỹ khi đó là Wilson cũng nhiễm bệnh khi đàm phán kết thúc Thế chiến.
"Tôi nghĩ bài học số một rút ra từ đại dịch này là bạn phải nói sự thật nếu không muốn gây ra sự hoảng loạn", Barry, người từng là chuyên gia cố vấn cho kế hoạch về đại dịch cúm của CDC, nói.
Đối với dịch COVID-19 hiện nay, Barry cho biết ông "có chút lo lắng" về kế hoạch ứng phó của chính phủ Mỹ. Ông không cho rằng chính quyền Trump "hoàn toàn nói dối, nhưng họ chắc chắn khiến bạn nghĩ tới những viễn cảnh tốt nhất".
Ông đặc biệt quan ngại về quyết định của Tổng thống Trump khi bổ nhiệm Phó Tổng thống Mike Pence làm người chỉ đạo cuộc chiến chống COVID-19, thay vì một chuyên gia về y tế như bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia thuộc Viện Sức khỏe Quốc gia Mỹ. Với bài học từ cuộc khủng hoảng niềm tin trong đại dịch cúm năm 1918, Barry cho rằng đây là "quyết định thật sự sai lầm".
Nguồn dẫn
[edit | edit source]- Thanh Tâm "Chuyên gia Mỹ lo ngại Trump lạc quan trước Covid-19" – VnExpress,