Wn/vi/'Kẻ thù' khiến New York vỡ trận

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > 'Kẻ thù' khiến New York vỡ trận

Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020


Bất chấp loạt biện pháp nhằm ngăn nCoV lây lan, số người nhiễm ở New York vẫn không ngừng tăng do mật độ dân số quá dày đặc. Với trên 8,6 triệu dân, New York đông đúc hơn bất cứ thành phố lớn nào khác ở Mỹ, với mật độ dân số gần 11.000 người/km2. Trong khi đó, San Francisco, thành phố có mật độ dân số cao thứ hai cả nước, thấp hơn đáng kể với khoảng 6.500 người/km2, theo dữ liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ.

Khi quá đông người tập trung trong một không gian chật hẹp, virus dường như lây lan nhanh chóng hơn thông qua các chuyến tàu điện ngầm chật cứng, sân chơi náo nhiệt và những tòa chung cư chen chúc, tạo ra các vòng truyền nhiễm bất tận, biến New York thành tâm điểm Covid-19 của cả nước Mỹ.

Có thể thấy rõ thách thức mà New York, cũng như những nơi mật độ dân số dày đặc khác ở Mỹ đang gánh chịu, bằng cách so sánh với Los Angeles, bang California, thành phố đông dân thứ hai cả nước.

Xét trên mọi góc độ, người dân New York có cuộc sống nhộn nhịp và mức độ tương tác khi đi làm, cũng như hoạt động vui chơi nhiều hơn bất cứ nơi nào ở Mỹ. Trong một ngày làm việc, trung bình hơn 5 triệu người chen lấn trên các chuyến tàu điện ngầm. Gần 40 triệu người thăm Quảng trường Thời đại mỗi năm, khiến nó trở thành một trong những điểm du lịch tấp nập nhất thế giới. Trước khi nCoV xuất hiện, hơn 3.000 máy bay hạ cánh xuống thành phố mỗi ngày.

Tuy nhiên, khi đại dịch ập đến, sự đông đúc đã khiến New York dễ bị tổn thương hơn. Deborah Birx, điều phối viên lực lượng chống Covid-19 của Nhà Trắng, hôm 23/3 cho biết tỷ lệ dân số nhiễm nCoV tại khu vực New York là gần 1/1.000, cao gấp 5 lần so với những nơi khác ở Mỹ. "Vì vậy, những người ở New York là nhóm hiện cần cách biệt cộng đồng hoàn toàn và tự cách ly. Virus rõ ràng đã lây lan tại đó vài tuần mới có thể gây ra mức độ xâm nhập như vậy vào cộng đồng chung", bà Birx nói.

Mối lo ngại về mật độ dân số cũng được đặt lên hàng đầu khi giới chức New York thảo luận về tình trạng nCoV lây lan. Thành phố giờ đây trở thành một trong những "điểm nóng" Covid-19 tồi tệ nhất thế giới, với số ca bệnh trên đầu người cao hơn Italy, quốc gia đã ghi nhận gần 70.000 ca nhiễm và hơn 6.800 người chết.

Các bệnh viện trên khắp thành phố New York và những khu vực lân cận báo cáo số lượng bệnh nhân Covid-19 ngày càng đông, cũng như tình trạng thiếu đồ bảo hộ, thúc đẩy Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đề ra kế hoạch chuyển hàng trăm nghìn khẩu trang, găng tay và áo bảo hộ đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, Cuomo thừa nhận những biện pháp ban đầu nhằm kiểm soát sự lây lan của virus không hiệu quả, đặc biệt tại thành phố New York, nơi mọi người vẫn tụ tập trong công viên vào cuối tuần và cách nhau không đủ xa. Thống đốc nói thêm rằng ông đang đợi chính quyền thành phố đề xuất kế hoạch ngăn người dân tiếp xúc quá gần nhau, có thể bằng cách kiểm soát chặt chẽ hơn những không gian công cộng.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hôm 23/3 tuyên bố sẽ ký sắc lệnh nhằm yêu cầu bất cứ ai từ New York hoặc New Jersey đến bang này phải cách ly 14 ngày. Nhiều ca nhiễm nCoV ở Florida, đặc biệt tại Miami, Fort Lauderdale và West Palm Beach, có mối liên hệ với New York. Người New York gần đây còn có xu hướng bay tới Florida để tránh những hạn chế tại địa phương.

Ngoài chênh lệch về mật độ dân số, việc Los Angeles tiến hành ít xét nghiệm hơn cũng được cho là lý do khiến thành phố này ghi nhận ít ca nhiễm nCoV hơn New York. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng nhiệt độ cũng là yếu tố dẫn đến sự khác biệt về số người nhiễm giữa hai thành phố.

Khu vực phía nam bang California có khí hậu ấm áp hơn và một số phân tích ban đầu cho thấy điều này có thể làm chậm tốc độ virus lây lan. Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Massachusetts, những khu vực có nhiệt độ trung bình trên 18 độ C chỉ ghi nhận chưa đầy 6% số ca nhiễm nCoV toàn cầu.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng mật độ dân số có khả năng vẫn là nguyên nhân lớn nhất khiến New York "vỡ trận" vì nCoV, đồng thời kêu gọi các thành phố và đô thị khác trên cả nước chú ý.

"Câu hỏi bây giờ là phần còn lại của nước Mỹ sẽ học được gì từ New York để tránh rơi vào tình huống mà họ đang đối mặt. Diễn biến dịch bệnh tại đây thậm chí có thể tồi tệ hơn trong thời gian tới", Thomas Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cảnh báo.

Nguồn dẫn[edit | edit source]