Wn/vi/Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Mỹ ký thỏa thuận hòa bình với Taliban

Thứ 7, ngày 29 tháng 2 năm 2020


Mỹ hôm nay ký một thỏa thuận lịch sử với phiến quân Taliban, mở đường cho quá trình rút binh sĩ khỏi Afghanistan trong 14 tháng tới.

Thỏa thuận được ký tại thủ đô Doha của Qatar giữa đặc phái viên Mỹ Zalmay Khalilzad và lãnh đạo chính trị Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng có mặt để chứng kiến lễ ký kết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper trong khi đó đã tới thủ đô Kabul của Afghanistan. Theo giới chuyên gia, chuyến đi dường như nhằm trấn an chính quyền Afghanistan về cam kết của Mỹ đối với nước này.

Với Tổng thống Donald Trump, thỏa thuận là bằng chứng cho thấy ông đang nỗ lực thực hiện lời hứa đưa binh sĩ Mỹ về nước. Nhưng các chuyên gia an ninh cho rằng đây là một canh bạc chính sách đối ngoại khi mà nó sẽ mang đến tính hợp pháp quốc tế cho Taliban.

Vài giờ trước thỏa thuận, Taliban đã ra lệnh cho tất cả các tay súng ở Afghanistan "kiềm chế mọi động thái tấn công... vì hạnh phúc của quốc gia".

Với hàng triệu người dân Afghanistan, thỏa thuận mang đến hy vọng đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn 18 năm qua.

"Hòa bình là một điều cực kỳ đơn giản và đất nước tôi xứng đáng với nó. Hôm nay là ngày mà chúng tôi có thể sẽ thấy một bước thay đổi tích cực", Javed Hassan, 38 tuổi, giáo viên sống tại ngoại ô Kabul, cho hay.

Các con của Hassan đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom do Taliban thực hiện hồi năm 2018. Từ đó đến nay, anh liên tục viết thư gửi tới các lãnh đạo thế giới, kêu gọi họ chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan.

Chiến trường Afghanistan đến nay là cuộc chiến kéo dài nhất của Mỹ, khiến khoảng 2.400 lính Mỹ thiệt mạng từ năm 2001, khi Washington quyết định đưa quân đến nước này sau vụ khủng bố kinh hoàng 11/9. Ít nhất 20 lính Mỹ đã thiệt mạng ở Afghanistan trong năm 2019, con số lớn nhất kể từ khi Mỹ tuyên bố dừng các hoạt động quân sự hồi năm 2014. Lầu Năm Góc đang duy trì khoảng 13.000 lính ở Afghanistan.

Nguồn dẫn[edit | edit source]