Jump to content

Wn/vi/4 lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Úc

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > 4 lo ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Úc

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Template:Wn/vi/Úc


Trung Quốc có thể dùng thương mại và đầu tư, gây ảnh hưởng đến giá đất, an ninh lương thực, an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Úc.

Theo thống kê năm 2018, Trung Quốc là chủ sở hữu đất nước ngoài lớn thứ hai ở Úc. Hầu hết đất đai thuộc sở hữu nước ngoài nằm ở bang Tây Úc và vùng Lãnh thổ phía Bắc. Các công ty Trung Quốc kiểm soát 2,3% đất của nước này, đứng sau Anh (2,6%) và trước Mỹ (0,7%). Tổng cộng họ sở hữu hơn 9,1 triệu ha đất ở Úc.

Đánh giá về thực tế này, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải, Trung tâm Tương lai chính sách, Đại học Queensland, Úc, cho rằng có 4 tác động chính.

Thứ nhất, nhu cầu lớn của người Trung Quốc từng đẩy giá bất động sản ở Úc tăng vọt, tạo bong bóng khiến người dân địa phương không thể giao dịch. Riêng tại Sydney, giá nhà tăng đến 75% trong suốt 5 năm tính đến giữa 2017, khi nhiều người Trung Quốc săn lùng các căn hộ và biệt thự gần bến cảng, theo Bloomberg. Khi giá nhà đất ở Úc giảm do ảnh hưởng của Covid-19, Robert Klaric, chuyên gia tư vấn bất động sản có hơn 30 năm kinh nghiệm, dự báo nhiều người Trung Quốc sẽ đổ tiền vào thị trường này trong 6 tháng tới, Daily Mail đưa tin.

Thứ hai, Trung Quốc có thể đe doạ an ninh lương thực của Úc, khi mua các trang trại lớn và tài nguyên nước, điện. Người Trung Quốc biến những nơi này thành điểm sản xuất hàng nông sản và xuất ngược lại nước họ.

Trong năm tài khoá 2019, Trung Quốc trở thành khách hàng mua trang trại lớn nhất của Úc, với số tiền đầu tư lên đến 12 tỷ USD, tăng gấp ba lần so với 4 tỷ USD năm 2010.

Đầu tháng 5/2020, ABC News thống kê có ít nhất hai công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đang hoạt động ở New South Wales nắm quyền kiểm soát nguồn nước ở lòng chảo Murry-Darling. Trong đó, Công ty Unibale Pty là chi nhánh của Tập đoàn COFCO, một trong các công ty lương thực lớn của Trung Quốc, sở hữu 7 triệu m3 nước trong hệ thống sông Gwydir. TrênNikkei, Helen Zhi Dent, Công ty tư vấn Helen Zhi Dent, đánh giá ưu tiên hàng đầu của các công ty Trung Quốc khi đầu tư vào nông nghiệp ở Úc là khả năng xuất khẩu sản phẩm ngược trở lại Bắc Kinh.

Thứ ba, Trung Quốc có thể tác động đến an ninh quốc gia của Úc, khi mua đất ở các vị trí trọng yếu. Lãnh thổ phía bắc của Úc có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, vì là nơi tiếp giáp với châu Á. Trong khi Tây Úc là địa điểm nối với các quốc đảo ở khu vực này. Đây là hai địa điểm Trung Quốc đầu tư mua nhiều đất. Ông Hải cho rằng khi Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) trên cả đất liền và trên biển, các vùng đất ở Úc có thể giúp Bắc Kinh tạo đường khép kín từ châu Á sang châu Âu, châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ Dương.

"Nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Úc đều có sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc, khiến các chính trị gia và giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có mưu đồ kiểm soát Canberra", ông Hải nói.

Tại Lãnh thổ phía bắc Úc, năm 2015, Landbridge Úc, công ty con của doanh nghiệp Trung Quốc Shandong Landbridge, đã giành được hợp đồng thuê cảng Darwin trong 99 năm với giá thầu hơn 500 triệu USD. Chính quyền vùng khi đó mong muốn được đầu tư khi thiếu nguồn tài chính từ liên bang. Tỷ phú Trung Quốc Ye Cheng, chủ sở hữu Landbridge, chiếm 80% cổ phần ở cảng, trong 2015 nói với hãng Xinhua rằng Trung Quốc muốn đặt Darwin trong bản đồ BRI.

Tại Tây Úc, năm 1993, hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc China Southern Airlines đã trả cho chính quyền một USD để thuê sân bay Merredin trong 100 năm, sử dụng làm trường đào tạo cho phi công. Tập đoàn Zenith Úc, thuộc doanh nghiệp Trung Quốc Shanghai Cred, sở hữu 7 bất động sản ở bang Tây Úc, là một trong những chủ đất Trung Quốc lớn nhất tại nước này.

Thứ tư, việc Trung Quốc mua đất, nằm trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng đầu tư, có thể nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Úc, theo Tiến sĩ Hải. Trên thực tế, năm 2017, Sam Dastyari, chính trị gia cánh tả thuộc Công đảng bị cáo buộc nhận tiền từ một tỷ phú Trung Quốc để vận động đảng thay đổi quan điểm về tranh chấp ở Biển Đông theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Sau đó ông Dastyari đã phải từ chức.

Ông Hải cho rằng việc mua đất của Trung Quốc ở Úc là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chi phối Canberra. Căng thẳng hiện nay giữa hai nước cho thấy điều đó.

Sau khi Thủ tướng Úc Scott Morrison vận động các đối tác quốc tế mở cuộc điều tra về nguồn gốc nCoV và việc phòng chống Covid-19, Bắc Kinh đã liên tiếp có hành động trả đũa. Đại sứ Trung Quốc tại Úc Cheng Jingye cảnh báo xuất khẩu các nông sản của Úc sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Hôm 12/5, Trung Quốc dừng nhập thịt bò từ bốn lò mổ lớn của Úc, trích dẫn những vấn đề liên quan đến nhãn mác và kiểm dịch. 5 ngày sau, Trung Quốc áp thuế hơn 80% với lúa mạch nhập khẩu từ Úc, với lý do bán phá giá. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, với tổng thương mại giữa hai nước đạt hơn 214 tỷ USD trong năm 2018.

Nguồn dẫn

[edit | edit source]