Wn/vi/Viễn Đông Nga: Dân Khabarovsk tiếp tục thách thức Putin

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Viễn Đông Nga: Dân Khabarovsk tiếp tục thách thức Putin

Thứ 5, ngày 6 tháng 8 năm 2020

Bùng lên từ gần một tháng nay, những cuộc biểu tình chống chính quyền trung ương của người dân thành phố Khabarovsk ở miền Viễn Đông Nga vẫn tiếp diễn. Hôm 01/08/2020 vừa qua, đoàn người tuần hành trên đường phố Khabarovsk, dù không đông như những ngày đầu, nhưng cũng vẫn tập hợp được khoảng 20.000 người.

Theo các nhà quan sát, thoạt đầu, những người biểu tình ở Khabarovsk chỉ đòi chính quyền phải trả tự do cho thống đốc vùng của họ, ông Sergei Furgal, đã bị bắt bất ngờ hôm 09/07 và đưa về Maxtcơva giam giữ. Thế nhưng sau đó các cuộc xuống đường đã nhanh chóng biến thành biều tình chống tổng thống Nga Vladimir Putin. Điều gây ngạc nhiên chính là tính chất bất ngờ và dai dẳng của những cuộc biểu tình phản kháng đó, tại một vùng đất xa xôi của nước Nga

Một phong trào "chưa từng thấy"[edit | edit source]

Theo đặc phái viên của nhật báo Pháp Le Monde được cử đến tận nơi tìm hiểu tình hình, thì tất cả những người mà nhà báo Pháp đã gặp hầu như chỉ có một nhận xét là: “Chưa từng thấy”.

Giáo sư xã  hội học Ildous Iarouline, đại học Khabarovsk, một người đã theo tình hình ngaay từ lúc các cuộc biểu tình bùng lên, đã cho rằng ông chưa từng thấy sự kiện nào như vậy. Vị giáo sư 65 tuổi đã sống ở đây 40 năm, ghi nhận: "Đám đông xuống đường rất đa dạng, thành phần tham gia lại thay đổi với thời gian, thanh niên và người lớn tuổi là giới tích cực nhất, còn những thành phần khác thì cố tham gia khi có thể, cho dù đôi khi họ còn do dự, không muốn dấn thân sâu hơn dù rất ủng hộ phong trào.”

Đối với giáo sư Iarouline, chính quyền Nga chắc chắn là không thể ngờ được là phong trào phản đối lên tầm mức như vậy, và theo ông, cho dù trong trường hợp bị suy yếu, thì nỗi bất bình đối với chính quyền trung ương vẫn sâu rộng để phong trào tiếp tục được duy trì.

Vụ bắt giữ thống đốc Furgal là chất xúc tác làm dấy lên nỗi bất bình[edit | edit source]

Về nguyên do dẫn đến các cuộc biểu tình ở vùng Khabarovsk, Le Monde ghi nhận là từ hai năm qua, thành phố 600.000 dân ở vùng biên giới với Trung Quốc này đã càng lúc càng bất bình.

Họ bực tức trước tình trạng thu nhập bị giảm sụt, chính quyền địa phương lại không nói thật, trong lúc chính quyền trung ương càng lúc càng có thái độ chèn ép…

Theo giáo sưIldous Iarouline: “Chính trên phông nền của các khó khăn kinh tế xã hội, mà vụ bắt giữ thống đốc Furgal đã trở thành chất xúc tác làm gia tăng nỗi tức giận và thất vọng”, và đó không chỉ là những phản ứng nhất thời.

Vị giáo sư nói tiếp: “Người biểu tình ở Khabarovsk, rất hãnh diện về cuộc đấu tranh của họ, nổi bật trong thời sự Nga. Đây là một giai đoạn mới trong một phong trào sâu rộng, đó đây bộc phát ở Nga: Biểu tình ở Arkhangelsk, chống nhà máy xử lý rác, ở Ekaterinbourg chống xây một nhà thờ, hay ở Matxcơva chống bầu cử địa phương không đối lập. Phong trào đấu tranh cho thấy một xã hội dân sự mới đang vươn lên, không còn chấp nhận chế độ “gia trưởng” mà điện Kremlin áp đặt”.

Theo phóng viên Le Monde, các khẩu hiệu như “Tự do”, “Hãy cho Furgal về nhà”... được thấy trong cuộc biểu tình cuối tuần qua ở Khabarovsk, đã cho thấy rõ quyết tâm nói trên.

Thống đốc Furgal được lòng dân hơn cả Putin[edit | edit source]

Cứ mỗi thứ Bẩy, người dân Khabarovsk lại đi biểu tình, đều đặn như thế từ ngày thống đốc Furgal bị bắt hôm 09/07, với tội danh “sát nhân” trong một sự cố cách đây 15 năm.

Là một bác sĩ trở thành doanh nhân, ông Furgal được bầu vào ghế dân biểu, và đã chấp nhận vào năm 2018 làm “ứng cử viên kỹ thuật” trong cuộc bầu thống đốc, tức là một người ra ứng cử để “làm vì” cho ứng viên được đảng của ông Putin ủng hộ.

Thế nhưng trước sự ngac nhiên của mọi người, ông Furgal được 70% phiếu bầu. Vị thống đốc mới tỏ ra độc lập với điện Kremlin, cải tổ guồng máy địa phương, có những chính sách gần gũi với dân chúng, đi ngang dọc vùng để nghe khó khăn của người dân, đã cho điều tra quan chức tham nhũng tại chỗ, bị tố cáo trục lợi trong việc phân chia nhà mới.

Tại Khabarovsk, vị thống đốc thật sự được lòng dân, hơn rất xa ông Putin. Trong tình hình dầu sôi lửa bỏng này, thống đốc được chính quyền cử ra tạm thế ông Furgal, Mikhaïl Degtiarev, chưa từng đến Khabarovsk, không dám ra mặt đến gặp người biểu tình, tố cáo họ là bị nước ngoài mua chuộc.

Từ bảo vệ Furgal đến phản đối Putin[edit | edit source]

Tuy nhiên, những khẩu hiệu mà nhà báo của Le Monde nghe thấy hôm thứ Bảy vừa qua tại Khabarovsk, cách Matxcơva hơn 6000 cây số, không bó hẹp trong trường hợp ông Furgal.

Bất chấp cơn mưa tầm tã, đám đông đã đồng thanh hô to các khẩu hiệu như “Chúng tôi là quyền lực ở đây”, “Đất nước hãy thức tỉnh”, “Nước Nga sẽ tự do”. Mục tiêu mà ho nhắm là tổng thống Putin: “Sa hoàng cút đi”, “Bố, rời đi” hay “Putin, từ chức”.

Theo giới quan sát, ở Matxcơva, những khẩu hiệu này có lẽ không lạ, nhưng ở tỉnh thì quả là nghiêm trọng.

Hai bác sĩ trẻ, Maria và Denis đi biểu tình, trả lời Le Monde, giải thích: “Chúng tôi ở đây để ủng hộ Furgal, nhưng đặc biệt là để phản đối tất cả những bất công của chế độ chính trị. Việc bắt thống đốc là một tia lửa, cho phép người ta ý thức được về các vấn đề của đất nước đã trở nên đập mắt, cơn hỏa hoạn có thể tàn phá dữ dội…”

Người dân vùng Viễn Đông có cảm nhận bị Matxcơva “lãng quên và cướp đoạt”. Hai người biểu tình khác, Tania và Denis, kế toán và kỹ sư điện tử, giải thích: “Thủ đô lấy hết tài sản của chúng tôi, và để đánh đổi, nhả lại cho chúng tôi trợ cấp. Bây giờ thì điện Kremlin lại lấy đi thống đốc của chúng tôi. Chính quyền và truyền thông của họ khẳng định là chúng tôi chỉ có vài trăm người biểu tinh. Chúng tôi đã chán ngấy những lời nói dối, những hành vi thao túng của Matxcơva và con rối của họ ở đây.”

Bài phóng sự kết luận: Một điều chắc chắn đối với đa số người biểu tình là phong trào phản đối chưa từng thấy ở Khabarovsk muốn làm lung lay thái độ quyết đoán của điện Kremlin.

Nguồn dẫn[edit | edit source]