Wn/vi/Trump có thể chọn sai 'điểm rơi' công kích Trung Quốc
Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020
Việc Trump tung ra hàng loạt cáo buộc nhằm vào Trung Quốc khi Covid-19 tiếp tục tàn phá Mỹ dễ khiến Washington rơi vào thế khó, chuyên gia nhận định.
Giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng thách thức nhất trong nhiều thập kỷ, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quay trở về cách tiếp cận truyền thống, dùng sức tàn phá khủng khiếp của đại dịch để xem xét lại những chính sách bị đình trị như hạn chế nhập cư, kiềm chế các cơ quan giám sát độc lập và cả chính sách với Trung Quốc. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Covid-19 vẫn căng thẳng ở Mỹ và Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho một chiến dịch tái tranh cử đầy khó khăn phía trước, Trung Quốc một lần nữa được ông chủ Nhà Trắng đem ra làm mục tiêu công kích.
Chính quyền Trump gần đây đã gia tăng công kích, đổ trách nhiệm cho Trung Quốc che giấu thông tin khi Covid-19 mới bùng phát khiến dịch bệnh lan tràn trên toàn cầu, điều Bắc Kinh một mực phủ nhận. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ còn tuyên bố cân nhắc một loạt biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc, từ áp thêm thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cấm người Trung Quốc mua các công ty Mỹ, cấm sinh viên Trung Quốc học ngành khoa học tại Mỹ tới hủy bỏ lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc.
Thực tế, ý tưởng cuối cùng, từ chối thực hiện các khoản thanh toán cho trái phiếu Mỹ do chính phủ Trung Quốc năm giữ, đến từ Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Nam Carolina Lindsay Graham. Tuy nhiên, nó đã bị khước từ bởi một số tiếng nói quan trọng như Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng
Tuy nhiên, ý tưởng thúc ép Trung Quốc chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu vì che giấu mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hiện được đón nhận rộng rãi tại Washington và cả nhiều bang khác trên khắp nước Mỹ. Dù vậy, theo Zachary Karabell, người sáng lập Progress Network, tổ chức thuộc viện chính sách New America, điều này chưa hẳn đã tốt.
"Trả đũa Trung Quốc ở thời điểm hiện tại sẽ được nhìn nhận như một trong những sai lầm chính sách lớn nhất lịch sử hiện đại của Mỹ", Karabell đánh giá. Cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh do Nhà Trắng phát động hồi năm 2017 bị hoài nghi nhưng đã đạt được những kết quả cụ thể khi có thể khiến Bắc Kinh thỏa hiệp trong một số vấn đề tranh cãi. Dù vậy, nó cũng khiến nông dân Mỹ rơi vào cảnh lao đao do Trung Quốc trả đũa bằng cách đóng cửa thị trường, buộc chính phủ phải tung ra các gói cứu trợ hàng chục tỷ USD.
Chiến dịch dài hơi chống lại gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei được tiến hành trên quy mô toàn cầu và chắc chắn đã khiến nỗ lực trở thành thế lực thống trị về công nghệ 5G của Bắc Kinh gặp trở ngại.
Nhìn chung, trong giai đoạn 2018 - 2019, khi nền kinh tế được cải thiện đều đặn, Mỹ đủ sức chịu đựng những thiệt hại từ một cuộc chiến về thuế trị giá hàng tỷ USD. Nhưng giờ đây, những tổn thất về kinh tế, chính trị và y tế khi cố gắng trừng phạt Trung Quốc sẽ là khổng lồ, Karabell nhấn mạnh.
"Ngay cả nếu Trung Quốc thực sự phải chịu một phần trách nhiệm về mức độ tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh, dù họ đáng bị lên án về mặt đạo đức, điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ có thể trả đũa. Nó hoàn toàn vô lý", ông nói.
Một vòng trừng phạt thuế mới hay ngăn chặn dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc hay cấm sinh viên, học sinh Trung Quốc học tập tại Mỹ, sẽ giáng đòn mạnh vào kinh tế Mỹ ở thời điểm dễ bị tổn thương nhất, Karabell nhận định. Sinh viên, học sinh Trung Quốc chi hàng chục tỷ USD vào giáo dục bậc cao ở Mỹ. Số tiền không chỉ giúp các trường đại học hàng đầu duy trì hoạt động mà còn cho phép nhiều trường đại học chi trả những gói hỗ trợ tài chính hào phóng hơn cho sinh viên Mỹ. Vậy nên, ngăn cấm sinh viên, học sinh Trung Quốc đến Mỹ không phải một lựa chọn khôn ngoan.
Mặt khác, để xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu bỏ qua Trung Quốc ở vào giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay chắc chắn là một nhiệm vụ bất khả thi đối với Mỹ.
Ngoài ra, một thực tế quan trọng cần quan tâm là hầu hết chuỗi cung ứng y tế của Mỹ đều đi qua Trung Quốc, từ thuốc, đồ bảo hộ cho đến những thiết bị, dụng cụ y tế tân tiến. Nhu cầu đối với chúng sẽ là rất lớn khi Mỹ đang chật vật đối phó với đại dịch. Mạo hiểm thực hiện các biện pháp trả đũa Trung Quốc không thể giúp Mỹ gia tăng nguồn cung những vật phẩm này.
"Và rồi còn cần kể đến nhu cầu hợp tác nhằm giải mã virus và chạy đua chế tạo vaccine. Điều gì xảy ra nếu Trung Quốc cán đích trước? Điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tạo ra cho Mỹ nhiều trở ngại hơn trong quá trình chế tạo vaccine như một phần của biện pháp trả đũa? Đây có phải canh bạc bạn muốn tham gia?", Karabell đặt câu hỏi.
Thực tế, Mỹ nắm trong tay ít đòn bẩy nhằm đối phó với Trung Quốc hơn họ nghĩ, Karabell lưu ý. Lần cuối cùng Mỹ tính toán sai vị thế của mình là vào năm 1930 với Đạo luật Thuế Smoot-Hawley. Nó được biết đến như là đạo luật bảo hộ tồi tệ nhất lịch sử Mỹ. "Nếu muốn gây chiến với Trung Quốc vào lúc này, có lẽ Tổng thống Trump và những người ủng hộ từ cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ, đã chuẩn bị để phá vỡ kỷ lục đó", ông nói.
Sự hấp dẫn của một chiến lược "công kích Trung Quốc" trong năm bầu cử là rõ ràng nếu những công kích đó chỉ nằm ở lời nói, Karabell đánh giá. Nhưng nếu áp lực biến lời nói thành hành động và Washington thực sự muốn Trung Quốc "phải chịu trách nhiệm", nó sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Thiệt hại sẽ không thể sửa chữa.
"Sẽ tốt hơn nếu những năm qua Washington tập trung chuẩn bị cho đất nước ứng phó với các thách thức tương lai bằng cách chi tiêu thông minh hơn những nguồn lực nội tại và bớt ám ảnh về Trung Quốc. Điều này đúng cho tới vài tháng trước. Hiện tại, nó là cần thiết", Karabell nhấn mạnh.