Wn/vi/Thụy Điển lộ sai lầm vì chống dịch 'không giống ai'
Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020
Hai tuần trước, chuyên gia y tế Anders Tegnel dường như nắm "thẩm quyền tối cao" ở Thụy Điển trong cuộc chiến chống Covid-19, hơn cả Thủ tướng Stefan Lofven.
Khi đó, số người chết vì nCoV ở Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan vẫn chưa "chệch khỏi quỹ đạo". Tegnell, nhà dịch tễ học quốc gia, người đứng đầu nỗ lực chống Covid-19 của chính phủ Thụy Điển, khẳng định Cơ quan Y tế Công cộng nước này đứng đầu trong số những mô hình đáng tin cậy và hiện đại nhất khi ứng phó với đại dịch.
Trong khi thế giới hoảng loạn vì Covid-19, Tegnell được nhiều người ca ngợi như một anh hùng vì cách tiếp cận điềm tĩnh và có vẻ khoa học của mình. Trường học, công sở và nhà hàng ở Thụy Điển vẫn mở cửa, bất chấp nhiều quốc gia khác đồng loạt phong tỏa vì Covid-19.
Tegnell khẳng định người già Thụy Điển có thể an toàn trước Covid-19 nếu con cháu không tới các viện dưỡng lão thăm họ.
Theo biên tập viên Mark Brolin của Telegraph, không người phụ trách sức khỏe của một quốc gia nào khác có thể chắc chắn rằng có thể đối phó Covid-19 mà không cần những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như Tegnell. Nếu quan điểm của Tegnell hoàn toàn đúng đắn, giới chuyên gia ở các quốc gia khác có thể đã sai lầm.
Rất nhiều người ở Thụy Điển tin tưởng rằng Tegnell đúng, cho tới khi số ca tử vong ở quốc gia này vọt lên so với các nước láng giềng. Phần Lan hiện ghi nhận 75 ca tử vong, Na Uy là 152 và Đan Mạch là 321, trong khi tại Thụy Điển, con số này đã là 1.333 người. Ngoài ra, Covid-19 cũng đã tấn công tới nhiều viện dưỡng lão ở quốc gia Bắc Âu này. Nhiều nhân viên tại các viện dưỡng lão báo cáo họ có rất ít hoặc thậm chí không có đồ bảo hộ trước "sóng thần" Covid-19.
Brolin cho rằng thực tế này khiến tuyên bố "chắc như đinh đóng cột" trước đó của Tegnell trở nên vô nghĩa. Nhà dịch tễ học hàng đầu này từng khẳng định rằng không giống Tây Ban Nha và Italy, các gia đình nhiều thế hệ sống chung rất hiếm thấy ở Thụy Điển, nên nước này sẽ dễ dàng cách ly những người già dễ bị tổn thương nhất.
"Chúng tôi có sự phân biệt thế hệ rất rõ ràng ở Thụy Điển và đây chắc chắn là điều khá khác biệt so với các quốc gia châu Âu còn lại. Người già chỉ gặp gỡ người già và thanh niên chỉ tiếp xúc với người đồng trang lứa. Tôi nghĩ điều đó mang tới cho chúng tôi cơ hội tốt hơn để bảo vệ những người cao tuổi", Tegnell nói hồi tháng trước.
Sự quan tâm của dư luận từng dành cho Tegnell giờ chuyển hướng sang những người từng hoài nghi quan điểm chống dịch "một mình một kiểu" của Thụy Điển. Một trong số đó là Bjorn Olsen, giáo sư về y học truyền nhiễm tại Đại học Uppsala.
Năm 2010, Olsen từng xuất bản cuốn sách "Đại dịch", trong đó dự báo về sự xuất hiện của một dịch bệnh khủng khiếp như Covid-19 hiện nay. Gần đây, ông đã yêu cầu Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển phải minh bạch hơn, trong đó bao gồm việc có thể truy cập vào cơ sở dữ liệu mà Tegnell đang dựa vào để đưa ra chính sách của mình. Nhưng yêu cầu của Olsen không được chấp thuận.
Olsen thậm chí còn công khai chỉ trích giới chức y tế, đồng thời gián tiếp phê bình chính phủ, về việc bỏ rơi người cao tuổi trong đại dịch. Hai ngày sau, 22 chuyên gia Thụy Điển đã cùng ký vào thư chỉ trích, trong đó chỉ ra rằng Cơ quan Y tế Công cộng đã thất bại thảm hại trong việc bảo vệ người dân.
Những chuyên gia này cũng yêu cầu chính phủ vào cuộc và đưa ra các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn, trong khi chờ đợi bổ sung bộ xét nghiệm, đồ bảo hộ cũng như có những đột phá trong điều trị Covid-19.
Nhưng các lãnh đạo và người có ảnh hưởng ở Thụy Điển đã đặt niềm tin vào chiến lược đối phó với khủng hoảng của Tegnell. Hậu quả là những người lên tiếng phản đối đã bị chê cười, thậm chí bị cáo buộc phản bội những nỗ lực của quốc gia.
Tuy nhiên, khi niềm tin của công chúng với chiến lược chống dịch "một mình một kiểu" bị sứt mẻ, vị thế của Tegnell không còn được như trước và ông thường lảng tránh khi được hỏi về tình hình ở các nước khác. Ngoài ra, vấn đề "những điều có lẽ đã phải làm" giờ trở nên đặc biệt quan trọng ở một quốc gia như Thụy Điển, nơi vẫn có nhiều thứ cần phải làm và vẫn cho phép tụ tập dưới 50 người.
Ở hầu hết quốc gia, trong đó có Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan, cơ quan y tế quốc gia thường có xu hướng "nâng cao quan điểm" về mối đe dọa từ Covid-19 để tránh rủi ro xảy ra, từ đó cân nhắc những sự đánh đổi cần thiết. Nhưng Thụy Điển có vẻ ngược lại khi Cơ quan Y tế Công cộng nước này lại đánh giá thấp các rủi ro sức khỏe do Covid-19 gây ra.
Chính phủ Thụy Điển đã gây bất ngờ khi hoàn toàn nghe theo chiến lược do Tegnell đề xuất. Brolin nhận xét điều này dường như không giống với phong cách làm việc của các lãnh đạo Thụy Điển trong quá khứ.
"Nếu nhìn vào lịch sử của đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển, không khó để tìm ra những lãnh đạo thực tế và quyết đoán khi chèo chống đất nước qua thời kỳ khủng hoảng. Nhưng lần này thì không như vậy", Brolin chia sẻ.
Dù nhiều người ủng hộ Tegnell tiếp tục khẳng định ông là một người tuyệt vời, Brolin đặt ra giả thuyết rằng Tegnell, một nhà kỹ trị không quen được chú ý, có thể từ đầu đã bị cám dỗ bởi sự nổi tiếng. Sự cám dỗ đó đến từ việc trở thành một người hùng khi đưa ra những số liệu dễ chịu và những dự báo mà mọi người đều mong trở thành sự thật.
Brolin nhận định chiến lược chống dịch kiểu "mềm mỏng" của Thụy Điển khó có thể trở thành một câu chuyện thành công. Không chỉ do tỷ lệ tử vong của Thụy Điển đang cao hơn nhiều quốc gia khác, quan điểm cho rằng phải tiếp tục duy trì hoạt động kinh tế giữa đại dịch cũng có thể phản tác dụng.
Trong khi đó, Na Uy và Đan Mạch, những quốc gia áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn từ đầu, dường như đã kiểm soát hiệu quả Covid-19 để bắt đầu mở cửa trở lại. Các trường học ở Đan Mạch bắt đầu mở cửa từ ngày 16/4 và Na Uy cũng lên kế hoạch tương tự vào đầu tuần tới.
Theo Brolin, một nghiên cứu gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Đại học MIT về các bài học rút ra từ khủng hoảng cúm Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng giai đoạn khó khăn và bất ổn có thể sẽ kéo dài lâu hơn nếu các quốc gia không thực hiện phong tỏa sớm.
"Các thành phố chỉ thực hiện các biện pháp can thiệp sớm và trên diện rộng như cách biệt cộng đồng và cấm tụ tập đông người sẽ không phải chịu những tác động kinh tế bất lợi ở trung hạn. Những thành phố can thiệp sớm hơn và quyết liệt hơn có thể sẽ có sự tăng tưởng kinh tế tương đối sau khi dịch bệnh lắng xuống", nghiên cứu chỉ ra.
Brolin nhận định chính phủ và Cơ quan Y tế Công cộng Thụy Điển giờ không tìm cách giành "chiến thắng vẻ vang" trước Covid-19 nữa, mà họ giờ chiến đấu để thoát khỏi cuộc khủng hoảng mà không để lại những "vết nhơ" trong danh tiếng của mình. "Dù không ai chính thức thừa nhận kế hoạch ban đầu có nhiều sai sót, họ đã có những hành động cẩn trọng hơn", bình luận viên này cho hay.
Trước những số liệu ngày càng đáng báo động về Covid-19, Thụy Điển đã ban hành một vài biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn, bao gồm cấm các cuộc tụ họp từ 50 người trở lên thay cho 500 người trước đây, các nhà hàng chỉ được phục vụ khách quen ngồi tại bàn thay vì tại quầy bar, các viện dưỡng lão cấm hoạt động thăm thân.
Thủ tướng Lofven cũng đã đưa ra các khuyến cáo rõ ràng hơn trước cho người dân Thụy Điển. Trong cuộc họp báo ngày 16/4, Lofven tuyên bố sẽ gia hạn các hạn chế với khách quốc tế cho tới 15/5, đồng thời cảnh báo những biện pháp kiểm soát dịch hiện tại có thể duy trì trong nhiều tháng.
Nếu những số liệu mà Cơ quan Y tế Cộng đồng Thụy Điển công bố mới nhất là chính xác, số ca nhiễm mới ở quốc gia này cũng bắt đầu có xu hướng giảm. Theo Brolin, điều này khiến cho thông điệp mới đây của Thủ tướng Lofven rằng "Đúng là có nhiều việc đáng lẽ đã phải được làm, nhưng giờ không phải là lúc để chê trách" có chút giá trị.
Nguồn dẫn
[edit | edit source]- "= Thụy Điển lộ sai lầm vì chống dịch 'không giống ai' =" – VnExpress, 2020/04/18