Wn/vi/Ngày sóng gió trong Nhà Trắng

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Ngày sóng gió trong Nhà Trắng

Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020

Ngày Trump tuyên bố "thấy ánh sáng cuối đường hầm" cũng là lúc nước Mỹ ghi nhận số người chết kỷ lục vì Covid-19 cùng nhiều biến động ở Nhà Trắng.

7/4 được coi là ngày thảm khốc của nước Mỹ, khi ghi nhận 12.722 người chết vì Covid-19, tăng 1.736 ca so với hôm trước. Đây là mức tăng ca tử vong kỷ lục ở Mỹ tính đến thời điểm đó.

Vào thời khắc đen tối như vậy, nhiều người kỳ vọng Tổng thống Donald Trump sẽ củng cố hình ảnh "lãnh đạo thời chiến" đối mặt với "kẻ thù vô hình", khi đất nước đang chờ đợi Covid-19 đạt đỉnh và nền kinh tế đang rơi vào trạng thái đình trệ.

Nhưng Trump bắt đầu ngày mới bằng quyết định sa thải Glenn A. Fine, tổng thanh tra phụ trách giám sát gói cứu trợ kinh tế trị giá hơn 2.000 tỷ USD, làm dấy lên lo ngại rằng ông sẽ cản trở việc giám sát giải ngân gói cứu trợ này.

Động thái được đưa ra chưa đến một tuần sau khi Trump sa thải Tổng thanh tra Cộng đồng Tình báo Mỹ Michael Atkinson, người đã nộp đơn khiếu nại của người tố giác Trump lên quốc hội liên quan đến cuộc điều tra xem xét bãi nhiệm ông. Stephen Collinson, bình luận viên của CNN, cho rằng đây là một dấu hiệu nữa cho thấy Trump đang lợi dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 để loại bỏ những người "ghìm cương" quyền lực của ông.

Đảng Dân chủ cảnh báo rằng Trump đang muốn đích thân giám sát việc giải ngân gói cứu trợ lớn chưa từng có. Trump trước đó cũng từng tuyên bố sẽ bỏ qua điều khoản trong dự luật yêu cầu tổng thanh tra phải báo cáo với quốc hội về các khoản tiền này. Việc sa thải A. Fine được coi là "đòn phản công" mới nhất của Trump sau những nỗ lực xem xét bãi nhiệm ông.

Trước đó một ngày, Trump đã chỉ trích tổng thanh tra Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, người tiết lộ về tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ quan trọng tại các bệnh viện tuyến đầu chống Covid-19.

Đến 7/4, Mỹ ghi nhận gần 400.000 ca nhiễm và gần 13.000 người chết vì Covid-19, tiếp tục là vùng dịch lớn nhất thế giới, ngay cả khi có những dấu hiệu đầu tiên đầy hy vọng cho thấy tốc độ lây nhiễm bắt đầu chậm lại ở tâm dịch New York.

7/4 cũng là ngày quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly nộp đơn từ chức. Quyết định được Modly đưa ra sau khi ông hứng chỉ trích nặng nề vì những lời lẽ công kích đại tá Brett Crozier, cựu hạm trưởng tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, người kêu gọi sơ tán hơn 4.000 thủy thủ trên tàu để tránh một "thảm kịch nCoV".

Những sự cố này có thể ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh hải quân Mỹ, nhưng Trump dường như muốn tìm cách "phủi tay". "Tôi không có vai trò gì trong việc này. Tôi không biết đại tá Crozier, nhưng nghe nói ông ấy là người rất tốt", Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Mỹ nói.

Nhưng ông sau đó lại quay sang chỉ trích Crozier. "Ông ấy không nhất thiết phải là Ernest Hemingway. Ông ấy đã phạm sai lầm nhưng cũng đã có một ngày thật tệ. Và tôi ghét nhìn thấy những điều tồi tệ xảy ra", Trump nói.

Sóng gió ở Cánh Tây của Nhà Trắng ngày 7/4 tiếp tục nổi lên khi Trump đe dọa cắt đóng góp tài chính cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng cơ quan này thiên vị Trung Quốc trong nỗ lực chống Covid-19.

Tuy nhiên, Trump gây hoang mang khi tự phủ nhận tuyên bố này chỉ vài phút sau đó. "Tôi không nói sẽ làm như vậy, nhưng chúng tôi sẽ xem xét lại vấn đề này", ông nói. Một ngày sau, Trump tiếp tục công kích WHO, cho rằng Mỹ không nhận được giá trị tương xứng với số tiền đã đóng góp, thậm chí dọa điều tra tổ chức này.

Cũng trong ngày 7/4, Stephanie Grisham, thư ký báo chí Nhà Trắng, bất ngờ từ chức, dù chưa từng tổ chức cuộc họp báo nào sau gần một năm nhậm chức. Các cuộc họp báo tại Nhà Trắng đều do Trump hoặc các quan chức cấp cao trong chính quyền của ông điều hành.

Nhà Trắng sau đó thông báo Kayleigh McEnany, thư ký báo chí chiến dịch tranh cử năm 2020 của Trump, sẽ thay thế Grisham. McEnany được cho là từng ca ngợi rằng nhờ có Trump, "chúng ta sẽ không phải thấy những dịch bệnh như Covid-19 xuất hiện ở Mỹ".

Một ngày hỗn loạn của chính quyền Trump kết thúc bằng cuộc họp báo về Covid-19, nhưng cũng đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau. Trong cuộc họp báo, ông chỉ trích hình thức bỏ phiếu qua mail khi khẳng định có gian lận xảy ra, dù gần đây chính ông cũng bỏ phiếu như vậy.

NYTimes hôm đó tiết lộ rằng Peter Navarro, cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, hồi tháng 1 từng viết trong một bản ghi nhớ rằng Covid-19 có thể trở thành "đại dịch toàn diện", gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD cho kinh tế và đe dọa tới sức khỏe của hàng triệu người Mỹ.

Khi được hỏi về bản ghi nhớ của Navarro, Trump tuyên bố ông không biết về tài liệu này cho tới vài ngày gần đây. "Tôi không thấy và cũng không tìm kiếm chúng", Trump nói và sau đó tranh luận rằng ông cũng có chung nhận định như Navarro nên mới quyết định dừng tất cả chuyến bay từ Trung Quốc. Nhưng theo Collinson, cho tới đầu tháng 3, Trump vẫn đánh giá thấp tầm ảnh hưởng của Covid-19.

Khi được hỏi tại sao không đưa ra cảnh báo với người Mỹ về mối nguy hiểm của đại dịch nếu ông có chung quan điểm với Navarro, Trump nói: "Tôi sẽ không chạy ra ngoài và hét lên rằng chuyện này sẽ xảy ra. Tôi là người cổ vũ tinh thần cho đất nước này. Tôi không muốn gây ra sự hoang mang và sợ hãi".

Collinson cho rằng sự hỗn loạn và mâu thuẫn của chính quyền Trump không chỉ dấy lên hoài nghi về chiến lược kiểm soát Covid-19 hiện tại của Nhà Trắng, mà còn gây ra nhiều lo ngại. Nó cũng làm dấy lên hoài nghi về trách nhiệm của Trump trong việc thiếu chuẩn bị để nước Mỹ ứng phó với đại dịch.

Trump sau đó quay sang chỉ trích các phóng viên trong họp báo. Ông gọi một phóng viên của Fox News là "kinh khủng" khi người này chỉ ra rằng xét nghiệm nCoV vẫn là "một vấn đề lớn của Mỹ".

Những cuộc "đấu khẩu" của Trump với giới truyền thông từng tạo nhiều lợi thế cho ông trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và phần lớn thời gian đầu nhiệm kỳ tổng thống. Những cuộc họp báo cũng khiến những người ủng hộ tin vào những diễn thuyết của Trump hơn là nhìn nhận vào những gì ông làm thực tế. Đây từng là công cụ giúp Trump thành công gắn kết những người ủng hộ ông.

Tuy nhiên, một cuộc khảo sát mới đây do CNN/SSRS công bố hôm 8/4 chỉ ra ngày càng nhiều người tỏ ra lo ngại về cách xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 của Trump trong những tuần gần đây. Khoảng 55% người Mỹ nói rằng chính quyền liên bang đã làm quá ít để ngăn chặn nCoV lây lan ở Mỹ, tăng 8% chỉ trong một tuần.

52% người khảo sát cho biết họ không đồng tình với cách xử lý khủng hoảng của Trump. Nhưng như thường lệ, khoảng 80% người của đảng Cộng hòa khẳng định chính phủ đã làm rất tốt và tỷ lệ ủng hộ Trump vẫn giữ ở mức ổn định 44%.

"Những gì chúng ta đang chứng kiến là một đại dịch và chúng ta đã thấy ánh sáng cuối đường hầm", Trump tuyên bố trong họp báo ngày 7/4 tại Nhà Trắng.

Collinson cho rằng thay vì trấn an mọi người, thông điệp của Trump hôm đó lại cho thấy nhiều dấu ấn cá nhân và tính cách chính trị từng tạo nên nhiều hỗn loạn trong nhiệm kỳ của ông. "Đó là một màn thể hiện đầy quan ngại trong thời điểm đau đớn của đất nước, khi các tổng thống được kỳ vọng thể hiện sự lãnh đạo kiên định, nhất quán", bình luận viên này viết.

Nguồn dẫn[edit | edit source]