Jump to content

Wn/vi/Mỹ bất đồng về thời điểm dỡ phong tỏa

From Wikimedia Incubator
< Wn | vi
Wn > vi > Mỹ bất đồng về thời điểm dỡ phong tỏa

Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020

Trump háo hức muốn dỡ các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 nhằm nhanh chóng mở cửa nền kinh tế, nhưng các thống đốc bang tỏ ra thận trọng hơn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump không che giấu mong muốn được nhìn thấy nền kinh tế và một số hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sau quãng thời gian đình trệ vì các biện pháp hạn chế đi lại nhằm kiềm chế nCoV lây lan. Tổng y sĩ Mỹ Jerome Adams trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm 10/4 đã đề cập tới khả năng dỡ bỏ phong tỏa "ở từng nơi, từng chút một" vào đầu tháng tới.

Nhưng ngày 12/4, khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, các quan chức Mỹ tiếp tục kêu gọi thận trọng, cảnh báo rằng việc nới lỏng quá sớm những biện pháp hạn chế có thể khiến Covid-19 bùng phát thậm chí còn mạnh mẽ hơn trước.

Các thống đốc bang và thị trưởng thành phố thừa nhận việc đảm bảo cân bằng giữa nỗ lực chống virus và giảm thiểu tổn thương kinh tế là một thách thức lớn, song khẳng định sức khỏe cộng đồng mới là ưu tiên của họ.

"Chúng ta có thể đổ thêm dầu vào lửa, dù vô tình", Thống đốc bang New Jersey Philip D. Murphy nói khi trả lời phỏng vấn CNN. Theo ông, việc quay lại với cuộc sống trước đại dịch là vô cùng quan trọng nhưng "không phải mục tiêu hàng đầu bởi hiện tại, nhà đang cháy và nhiệm vụ số một phải là dập lửa".

Tại nhiều vùng trên khắp nước Mỹ, Lễ Phục sinh diễn ra như một lời nhắc nhở về cách Covid-19 đã làm thay đổi cuộc sống. Hàng triệu tín đồ Thiên chúa giáo kỷ niệm ngày lễ trọng đại này một cách đơn giản, không tụ tập gia đình, bạn bè và theo dõi các nghi thức tôn giáo được cử hành trên mạng hoặc trên truyền hình.

Dù vậy, đã xuất hiện các dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng đang chững lại hoặc có thể không tàn khốc như những gì người ta dự đoán. Thống đốc New York Andrew M. Cuomo cho hay bang này đến nay ghi nhận gần 9.400 ca tử vong vì nCoV và nhiều nguồn dữ liệu cho thấy tốc độ lây lan của virus đang chậm dần.

Tại Arkansas, Thống đốc Asa Hutchinson cho biết bang đã chuẩn bị sẵn sàng 8.000 giường bệnh, nhưng mới chỉ báo cáo 80 trường hợp nhập viện.

Tuy nhiên, nước Mỹ mới đây đã chạm tới một cột mốc nghiệt ngã, vượt Italy về số ca tử vong do nCoV. Covid-19 đã khiến 16 triệu người Mỹ mất việc làm chỉ trong vòng vài tuần và con số vẫn chưa dừng lại.

Trump thừa nhận mức độ quan trọng của câu hỏi khi nào nên mở cửa trở lại đất nước, nhưng ông cũng không ngần ngại thể hiện sự thiếu kiên nhẫn. Hôm 12/4, Tổng thống Mỹ viết trên Twitter: "Các thống đốc, hãy khiến chương trình xét nghiệm và bộ máy bang hoạt động thật hoàn hảo. Hãy sẵn sàng, những điều to lớn đang diễn ra. Không biện minh!".

Song quyết định nối lại hoạt động của doanh nghiệp và đưa cuộc sống về lại bình thường không thuộc quyền hạn của ông, mà do thống đốc các bang ban hành. Nhiều thống đốc đã bày tỏ lo lắng trước khả năng dỡ bỏ quá sớm lệnh ở yên trong nhà.

"Chúng ta phải cân bằng các nhu cầu", Thống đốc Maryland nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình. "Nhưng thực sự, lúc này, việc cần làm đầu tiên là cứu người và giữ an toàn cho mọi người. Chúng ta cuối cùng cũng vẫn sẽ phải suy nghĩ về việc bằng cách nào có thể đưa người dân quay lại làm việc. Nhưng bạn không thể chỉ chọn một ngày rồi bấm nút. Tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy".

Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot cho hay nCoV đang gây ra những ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng người Mỹ gốc Phi của thành phố. "Nó hủy hoại cộng đồng của chúng tôi", bà nhấn mạnh. Gần 70% ca tử vong vì nCoV tại Chicago là người Mỹ gốc Phi, nhóm người chiếm 30% dân số thành phố.

Theo bà, để nới lỏng các biện pháp phong tỏa, "làm phẳng đường cong là chưa đủ mà còn phải bẻ cong nó xuống".

"Chúng ta cần nhìn thấy nhiều tiến triển hơn nữa trên mặt trận y tế trước khi bàn đến chuyện tái mở cửa nền kinh tế", Lightfoot nói.

Anthony S. Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia, lưu ý mở cửa lại đất nước không phải là lựa chọn "mở toàn bộ hay đóng tất cả". Trả lời phỏng vấn CNN, ông cho rằng việc gỡ bỏ các giới hạn phải được các thống đốc tiến hành một cách thận trọng, từ từ, dựa trên kết quả xét nghiệm và nguy cơ ở địa phương, nhằm ngăn số ca nhiễm bùng phát.

"Nếu đột nhiên chúng ta quyết định 'Được thôi, phải là tháng 5, dù bất kể thế nào, chúng ta chỉ cần bấm nút', đó chắc chắn là một vấn đề lớn", Fauci nói.

Nguồn dẫn

[edit | edit source]