Wn/vi/Máy bay tiêm kích đa năng rẻ nhất thế giới của Trung Quốc

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Máy bay tiêm kích đa năng rẻ nhất thế giới của Trung Quốc

Thứ 6, ngày 1 tháng 6 năm 2012


JF-17 của Pakistan bay diễu hành

Mới đây, Tập đoàn xuất nhập khẩu hàng không Trung Quốc (CATIC) tuyên bố, quyết tâm xuất khẩu 300 tiêm kích đa năng JF-17 vào thị trường Châu Phi và Trung Đông.

Joint Fighter-17 (JF-17) Thunder, cũng còn được gọi với tên Fighter China-1 (FC-1) Kiêu Long (枭龙)[1] ở Trung Quốc, là một máy bay tiêm kích đa vai trò một chỗ ngồi, được phát triển bởi Trung Quốc và Pakistan. Hai chiếc đầu tiên đã được chuyển giao cho Không quân Pakistan vào 12 tháng 3 năm 2007. JF-17/FC-1 được thiết kế như một máy bay có chi phí thấp mà vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu chiến thuật và chiến lược của Không quân Pakistan.

Vậy lý do vì sao mà Trung Quốc tự tin đặt mục tiêu lớn đến vậy, khi nước này phải cạnh tranh với sản phẩm tiêm kích hiện đại hơn, uy tín hơn tới từ các tập đoàn hàng đầu thế giới như: Su-30MK của hãng Sukhoi, của Lockheed Martin, Rafale của Dassaulf (Pháp), EF-2000 Typhoon (liên minh Châu Âu) hay JAS-39 Gripen của Thụy Sĩ.

Các máy bay kể trên đều có đặc tính kỹ chiến thuật chiến đấu có thể nói là mạnh hơn nhiều so với mẫu tiêm kích đa năng JF-17.

Tiêm kích rẻ nhất thế giới

Điểm mấu chốt nằm ở chỗ, JF-17 được xuất khẩu với giá rất rẻ, rẻ nhất thế giới trong dòng tiêm kích đa năng. Mỗi chiếc JF-17 được xuất khẩu với giá 15-20 triệu USD, trong khi đó, các dòng tiêm kích Rafale có giá lên tới 60-70 triệu USD một chiếc, JAS-39 có giá 40-60 triệu USD. Hay như dòng Su-30, tuy sản phẩm của Nga được đánh giá là có giá rẻ hơn nhiều so với tiêm kích phương Tây, nhưng muốn sở hữu một chiếc Su-30 (tùy từng biến thể), các nước cũng phải bỏ ra khoảng 40-50 triệu USD. Với những quốc gia có nền kinh tế phát triển thì việc đầu tư hiện đại hóa cho quân đội dù có phải tốn kém bao nhiêu cũng phải thực hiện. Nhưng với các nước kinh tế kém phát triển (tập trung nhiều ở Châu Phi – Trung Đông), hầu bao hạn hẹp, việc sắm những máy bay có giá trị cao là điều đã khó thì việc duy trì, bảo dưỡng, mua sắm linh kiện lại càng khó hơn.

Vì vậy, JF-17 sẽ là ứng viên sáng giá trên thị trường tiêm kích chiến đấu giá rẻ. Tuy nhiên, bấy lâu nay, luôn có quan niệm rằng “tiền nào của nấy”, điều đó đúng nhưng với trường hợp JF-17 thì khác. JF-17 tuy có giá rẻ nhưng chất lượng máy bay, cũng như đặc tính kỹ thuật chiến đấu của nó cũng khá tốt. Máy bay mang nhiều đặc điểm máy bay thế hệ thứ 4, có khả năng thực hiện tất cả nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu trên không, mặt đất, mặt biển bằng vũ khí chính xác cao.

“Giá rẻ chất lượng cao”

Điểm nổi bật trong thiết kế của JF-17 là trang bị hệ thống điện tử hàng không cùng hệ thống vũ khí hiện đại, tiên tiến. Đầu tiên, buồng lái JF-17 thiết kế với 3 màn hình màu tinh thể lỏng đa năng, màn hình HUD trước mặt phi công. Các màn hình tinh thể lỏng, làm nhiệm vụ hiển thị thông số kỹ thuật bay, tình trạng vũ khí, thông tin trên màn hình có thể bằng tiếng Trung hoặc nhiều ngôn ngữ khác. Ngoài ra, máy bay còn trang bị hệ thống khí cụ đo điện tử, hệ thống điều khiển bay, hệ thống vô tuyến liên lạc UHF/VHF, kênh truyền dẫn thông tin MIL-STD-1553B, hệ thống định vị vệ tinh/quán tính GPS/INS, hệ thống nhận diện địch – ta.

Đối với hệ thống phòng vệ điện tử, JF-17 trang bị radar cảnh báo sớm, hệ thống cảnh báo và theo dõi đường đi tên lửa, thiết bị gây nhiễu radar cùng hệ thống phóng mồi bẫy nhiệt. Riêng phi công, ngoài thiết bị ghế phóng khẩn cấp, mũ bay có thể được tích hợp thiết bị ngắm mục tiêu trên kính mũ. Đây là những đặc điểm luôn luôn xuất hiện trên máy bay hiện đại thế hệ thứ 4, 4+, 5.

Về radar, JF-17 trang bị radar điều khiển hỏa lực đa chế độ KLJ-7 do Viện nghiên cứu công nghệ điện tử Nam Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Radar có thể theo dõi 10 mục tiêu và tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu, tầm phát hiện mục tiêu phía trước máy bay là trên 75km và phía sau là 35km, phát hiện mục tiêu trên biển cách 135km. Có thể nói, tầm phát hiện mục tiêu trên không của KLJ-7 không thể bằng radar của Su-30, F-16 hay Dassault Rafale nhưng với tầm giá này người ta không thể đòi hỏi gì thêm. Dẫu sao, radar có thể theo cùng lúc nhiều mục tiêu và diệt ít nhất 2 mục tiêu cùng lúc đã là đặc điểm hiện đại.

Về hệ thống vũ khí, JF-17 thiết kế với 7 giá treo (4 dưới cánh, 2 đầu mút cánh và 1 dưới thân) có thể mang 3,6 tấn vũ khí. Để thực hiện nhiệm vụ đối không, JF-17 mang tên lửa không đối không tầm ngắn PL-5E (tầm bắn 18km), PL-9C (22km), tên lửa đối không tầm xa PL-12 (tầm bắn 70-100km). Hỏa lực đối đất, JF-17 sử dụng được: bom dẫn đường quang điện H-2/H-4, bom dẫn đường vệ tinh LS-6, bom dẫn đường laser LT-2 hoặc bom – rocket không điều khiển. JF-17 có khả năng đối hạm, radar KLJ-7 phát hiện mục tiêu trên biển ở cự ly 135kg. JF-17 mang được tên lửa hành trình không đối hạm C-802A (tầm bắn 180km) hoặc C-803 (tầm bắn 255km). Một điểm đặc biệt trong thiết kế vũ khí cho JF-17, nó có thể tích hợp dễ dàng các loại vũ khí không do Trung Quốc sản xuất. Như tên lửa không đối không AIM-9L/M, bom có điều khiển GBU-10/12, bom Mk-82/84 của Mỹ; tên lửa chống radar MAR-1 (Brazil), tên lửa hành trình đối đất Ra’ad của Pakistan…

Cuối cùng, động cơ dùng cho JF-17, bấy lâu nay tuy Trung Quốc tự sản xuất một số động cơ máy bay phản lực nhưng chất lượng là điều đáng phải bàn. Dù vậy, với JF-17, Trung Quốc quyết định trang bị động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Klimov RD-93 đáng tin cậy hơn (cánh quạt có tuổi thọ 2.200 giờ) cho phép đạt tốc độ 1.909km/h, tầm bay hơn 2.000km, trần bay hơn 15.000m. Hiện nay, mới chỉ có Pakistan là khách hàng duy nhất của JF-17, nhưng Pakistan lại là đối tác phát triển JF-17 cùng Trung Quốc (nước này chủ yếu đóng góp kinh phí). Còn lại, nhiều nước ở Châu Phi đã bày tỏ sự quan tâm với JF-17 nhưng vẫn chưa có hợp đồng chính thức nào. Dẫu sao, triển vọng của loại máy bay này là khá lớn đối với nước nghèo muốn có máy bay mạnh nhưng ngân sách hạn hẹp.

Nguồn dẫn[edit | edit source]