Wn/vi/Lo ngại luật an ninh 'đánh dấu chấm hết cho Hong Kong'

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Lo ngại luật an ninh 'đánh dấu chấm hết cho Hong Kong'

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Một số nhà lập pháp Hong Kong phản đối Bắc Kinh ban hành luật an ninh Hong Kong, cảnh báo đây là "dấu chấm hết" cho đặc khu.

Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức quốc hội Trung Quốc, hôm nay đưa ra dự thảo luật an ninh Hong Kong trong phiên họp thường niên, trong đó cấm toàn bộ hoạt động ly khai, lật đổ, hành vi can thiệp của nước ngoài trong các vấn đề Hong Kong và hoạt động khủng bố ở thành phố này. Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Vương Thần dự kiến sẽ phát biểu giải thích luật mới vào hôm nay.

Thông tin về dự luật đưa ra hôm qua đã nhanh chóng bị một số nhà lập pháp và nhà hoạt động tại Hong Kong phản đối, gọi đây là "dấu chấm hết cho Hong Kong", với lo ngại luật sẽ gây bất ổn và thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh tại đặc khu.

Trung Quốc tuyên bố muốn thông qua luật an ninh mới sau khi Hong Kong rung chuyển bởi 7 tháng biểu tình liên tục vào năm ngoái, có lúc còn bùng phát thành bạo lực giữa người biểu tình và cảnh sát.

Theo phát ngôn viên quốc hội Trung Quốc Trương Nghiệp Toại, dự luật được đưa ra trong ngày đầu tiên họp quốc hội, sẽ tăng cường "cơ chế chấp pháp" tại trung tâm tài chính Hong Kong.

Quốc hội Trung Quốc cho rằng "cần cải thiện và duy trì chính sách 'Một quốc gia, hai chế độ'", ông Trương nói.

Nếu được thông qua, động thái mới của Trung Quốc đại lục sẽ đi ngược lại Điều 23 Luật Cơ bản năm 2003 của Hong Kong, yêu cầu chính quyền thành phố ban hành luật an ninh riêng để cấm hành vi làm phản, ly khai, xúi giục nổi loạn hoặc lật đổ.

Tuy nhiên, điều khoản này chưa bao giờ được thực thi do người dân lo ngại nó sẽ hạn chế các quyền công dân vốn được đề cao lâu nay ở Hong Kong. Đặc khu được hưởng những quyền tự do theo cam kết mà Bắc Kinh đưa ra với Anh khi Hong Kong được trao trả năm 1997.

Nỗ lực ban hành Điều 23 bị hoãn sau khi nửa triệu người Hong Kong xuống đường biểu tình năm ngoái. Dự luật gây tranh cãi mới được thảo luận trở lại trong những năm gần đây để đối phó các phong trào đòi dân chủ tại Hong Kong.

Ông Trương không nói thêm chi tiết về dự thảo luật nhưng nếu được đưa ra quốc hội, gần như chắc chắn nó sẽ được thông qua.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cảnh báo việc áp đặt luật an ninh lên Hong Kong sẽ "gây bất ổn lớn, cũng như vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ và cộng đồng quốc tế".

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ phản ứng cứng rắn nếu luật an ninh Hong Kong được thông qua. "Tôi không biết đó là gì, vì chưa ai biết. Nếu việc đó xảy ra, chúng tôi sẽ phản ứng rất cứng rắn với vấn đề này", Trump nói.

DAB, đảng chính trị thân Bắc Kinh lớn nhất Hong Kong, lên tiếng ủng hộ dự luật, gọi đây là "động thái có trách nhiệm", nhưng các nhà lập pháp phe dân chủ phản đối, bày tỏ tức giận.

"Đây là dấu chấm hết cho Hong Kong, dấu chấm hết cho chính sách 'Một quốc gia, hai chế độ', đừng đánh đồng giữa hai việc", Dennis Kwok, nhà lập pháp đảng Công dân, nói.

Nhà lập pháp Tany Chan cho rằng Bắc Kinh "đã thể hiện sự không tôn trọng với người dân Hong Kong" bằng cách cố gắng ban hành luật mà không tham khảo ý kiến.

"Rất nhiều người Hong Kong đang tức giận như chúng ta bây giờ, nhưng chúng ta phải nhớ không được từ bỏ", bà nói.

Chris Patten, thống đốc người Anh cuối cùng của Hong Kong trước khi thành phố được trao trả năm 1997, cho rằng dự luật sẽ báo hiệu "cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị của thành phố" và "gây thiệt hại nặng nề".

Hong Kong có cơ quan lập pháp riêng, gọi là Hội đồng Lập pháp. Nhưng ít nhất hai đại biểu Hong Kong tại quốc hội Trung Quốc đã nói họ sẽ đề xuất dự luật mà không thông qua cơ quan lập pháp của thành phố, sử dụng cơ chế theo quy định Luật Cơ bản.

"Động thái này chỉ ra hai điều có thể xảy ra", Adam Ni, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Quốc trụ sở tại Canberra, Australia, nói.

"Một, Bắc Kinh không tin luật an ninh có thể được Hội đồng Lập pháp Hong Kong thông qua dễ dàng. Hai, biểu tình và bất đồng chính kiến đã khiến việc thông qua luật an ninh cấp bách hơn".

Maya Wang, nghiên cứu viên cấp cao về Trung Quốc của tổ chức Quan sát Nhân quyền, đã gọi đây là "hồi chuông cảnh báo" cho "sự kết thúc của Hong Kong".

"Hong Kong từ trước tới nay luôn là bến cảng an toàn cho những người bất đồng chính kiến, nó là ánh sáng, lương tâm, tiếng nói về sự thật trước sự hùng mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc", Wang viết trên Twitter.

Quốc hội Mỹ năm ngoái khiến Trung Quốc tức giận khi thông qua dự luật cho phép tước bỏ tình trạng thương mại đặc biệt của Hong Kong tại Mỹ nếu thành phố không còn được hưởng quyền tự trị. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo việc Trung Quốc áp luật an ninh với Hong Kong sẽ ảnh hưởng đến quyết định của họ.

Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm qua cũng đề xuất dự luật trừng phạt bất kỳ thực thể nào liên quan đến kiềm chế quyền tự trị của Hong Kong. Mục tiêu có thể bao gồm cảnh sát trấn áp người biểu tình, quan chức liên quan đến chính sách Hong Kong cũng như các ngân hàng thực hiện giao dịch với những người xâm phạm quyền tự do của thành phố.

Thượng nghị sĩ Pat Toomey, người khởi xướng dự luật, đã gọi Hong Kong là "chim bạch yến trong mỏ than châu Á".

"Sự can thiệp ngày càng lớn của Bắc Kinh có thể làm chùn bước những quốc gia khác đang đấu tranh cho tự do dưới cái bóng của Trung Quốc", ông nói.

Nguồn dẫn[edit | edit source]