Wn/vi/Ghế 'anh cả' thế giới bỏ trống giữa Covid-19

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Ghế 'anh cả' thế giới bỏ trống giữa Covid-19

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Trung Quốc co về phòng thủ trước chỉ trích về nguồn gốc nCoV, trong khi Mỹ loay hoay xử lý đại dịch, vai trò lãnh đạo thế giới dường như bỏ ngỏ.

Khi Australia thúc đẩy một cuộc điều tra toàn cầu về nguồn gốc đại dịch Covid-19, không quốc gia nào khác lập tức lên tiếng hưởng ứng. Lãnh đạo các nước không biết cuộc điều tra sẽ đi đến đâu và Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt đến mức nào.

Liên minh châu Âu mãi sau đó mới nhập cuộc bằng cách đưa ý tưởng này lên Đại hội đồng Y tế Thế giới sẽ diễn ra vào cuối tháng 5. Tình thế đó bỗng nhiên khiến Australia nhận ra mình đang thúc đẩy một nỗ lực củng cố các thể chế quốc tế bất chấp những lời đe dọa từ phía Trung Quốc, vai trò mà Mỹ đãdần từ bỏ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

"Chúng tôi chỉ muốn biết chuyện gì đã xảy ra để nó không lặp lại", Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 8/5 tuyên bố, đề cập đến các cuộc thảo luận của ông với lãnh đạo các nước về cuộc điều tra quốc tế nguồn gốc của nCoV, virus gây ra đại dịch khiến hơn 4,3 triệu người nhiễm và gần 293.000 người chết trên toàn cầu.

Thủ tướng Morrison khẳng định lời kêu gọi điều tra quốc tế của ông không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào, nhưng tất cả manh mối hiện nay đều hướng về Trung Quốc, nơi khởi phát đại dịch.

Giới lãnh đạo Trung Quốc cho thấy rõ ràng rằng họ xem những lời chỉ trích về phản ứng ban đầu của nước này với Covid-19 là mối đe dọa đối với quyền lực của Bắc Kinh. Bởi vậy, lời kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của nCoV của Australia lập tức vấp phải phản ứng quyết liệt từ Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc ở Australia Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) xem đề xuất điều tra toàn cầu là động thái "nguy hiểm", có thể khiến người Trung Quốc tẩy chay du lịch, nông sản của Australia và không cho con em tới nước này du học.

Biên tập viên Damien Cave và Isabella Kwai của NYTimes nhận định nếu Trung Quốc thực hiện lời đe dọa này, Australia có thể hứng chịu thiệt hại về kinh tế rất nghiêm trọng. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu số một, là nước đóng góp lượng du học sinh lớn nhất, đồng thời là thị trường quan trọng nhất đối với du lịch và nông sản Australia. Ngày 10/5, các công ty sản xuất ngũ cốc Australia cảnh báo Trung Quốc đang đe dọa áp thuế cao đối với lúa mạch nước này.

Tuy nhiên, chứng kiến cách Trung Quốc trừng phạt những người cố cảnh báo sớm về Covid-19 ở Vũ Hán hay đe dọa tẩy chay thương mại, người Australia dường như đã "tỉnh ngộ". Thay vì thừa nhận sai lầm trong ứng phó với nCoV, Bắc Kinh lại lan truyền các thuyết âm mưu, khẳng định phản ứng của họ với đại dịch đáng được ca ngợi và công kích bất kỳ ai phản đối điều này.

Peter Jennings, cựu quan chức quốc phòng và hiện là giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết Covid-19 đã đập tan những ảo tưởng cuối cùng ở Australia về một "Trung Quốc tử tế", rằng họ có thể làm ăn với Bắc Kinh mà không lo ngại tới nguy cơ bị chi phối chính trị.

"Tôi nghĩ các lãnh đạo cấp cao của chúng tôi đang ngày càng dè dặt với Trung Quốc", Jennings nói. "Nói thẳng ra, tôi cho rằng họ đã thực sự chán ngấy Trung Quốc".

Trong những tình huống như vậy, Australia và nhiều nước khác thường hướng đến Mỹ, quốc gia luôn được xem là "anh cả" bảo vệ sự minh bạch và quan hệ hợp tác quốc tế trong suốt 7 thập kỷ sau Thế chiến II.

Nhưng trông cậy vào vai trò lãnh đạo của "anh cả" Mỹ vào thời điểm này dường như là điều bất khả thi. Phần lớn thế giới đều thất vọng khi thấy Mỹ, siêu cường số một thế giới, chật vật đối phó với nCoV và những phản ứng thất thường của Tổng thống Trump.

Trump tỏ ra ít quan tâm tới việc hợp tác với bất kỳ quốc gia nào trong cuộc chiến chống đại dịch, khiến gần 1,4 triệu người nhiễm và hơn 82.000 người chết ở nước này. Ông khẳng định Mỹ đang mở cuộc điều tra riêng về cách Trung Quốc ứng phó với Covid-19, nhưng nhiều người lại cho rằng đây chỉ là cách ông đánh lạc hướng sự chỉ trích của dư luận về phản ứng bị coi là "tệ hại" với Covid-19.

Trump cũng tuyên bố ngừng cấp ngân sách cho WHO và Mỹ cũng không tham gia vào nỗ lực gây quỹ phát triển vaccine gần đây của Liên minh châu Âu.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn gây hoang mang khi đề nghị các nhà khoa học xem xét những phương pháp điều trị Covid-19 khá kỳ quặc như tiêm thuốc khử trùng vào người bệnh. Ông còn liên tục khẳng định nCoV có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, một giả thuyết mà giới chức tình báo Australia và nhiều nước phương Tây hoài nghi.

"Trong khủng hoảng, Mỹ thông thường sẽ huy động cả thế giới vào cuộc, dù nước này có thiếu sót đến đâu đi nữa. Nhưng lần này, khi Mỹ vắng mặt, không ai làm thay điều đó", Kevin Rudd, cựu thủ tướng Australia, cho hay.

Chiếc ghế "anh cả" này đã bị bỏ trống ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, khi Trump luôn đề cao chính sách "nước Mỹ trên hết", bày tỏ sự hoài nghi với chính các đồng minh và liên tục rút Mỹ khỏi các cam kết, hiệp ước quốc tế.

Năm 2018, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 quốc gia đã ký một thỏa thuận thương mại thay thế, được xem như hàng rào chống ảnh hưởng ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Khoảng trống đó càng thể hiện rõ hơn khi thế giới đối mặt với Covid-19, cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong gần một thế kỷ qua, buộc các cường quốc tầm trung như Australia phải gấp gáp khôi phục những quy tắc cũ của chủ nghĩa đa phương.

Nhiều cường quốc tầm trung đã trao đổi những cách chống dịch, ủng hộ chia sẻ các giải pháp như phát triển vaccine và cùng nhau lên kế hoạch cho tương lai. Tối 7/5, Thủ tướng Morrison đã điện đàm với lãnh đạo của các quốc gia tự xem mình là "những người đi đầu", khi phản ứng nhanh và sớm làm phẳng đường cong của dịch, gồm Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Israel, Singapore và New Zealand.

Giới chức Australia cũng tham gia các cuộc trao đổi hàng tuần về tương lai sau đại dịch với một nhóm quốc gia, gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Mỹ cũng góp mặt nhưng chỉ với tư cách là thành viên thay vì lãnh đạo nhóm, theo Rory Medcalf, cựu quan chức ngoại giao và hiện là hiệu trưởng Trường An ninh Quốc gia, thuộc Đại học Quốc gia Australia.

Xét về lịch sử, Australia, quốc gia với 25 triệu dân, luôn tự thấy mình chưa đủ tầm để tạo ra sức ảnh hưởng trên vũ đài chính trị thế giới, dù nền kinh tế nước này gần tương đương với Nga. Nhưng trong các cuộc phỏng vấn, nhiều quan chức đều cho rằng Australia đã có một lịch sử kiên cường "vừa hợp tác vừa đấu tranh" với Trung Quốc.

Năm 2018, Australia là một trong những nước đầu tiên cấm hai công ty Trung Quốc là Huawei và ZTE tham gia xây dựng mạng 5G nước này, đồng thời thông qua luật chống sự can thiệp của nước ngoài.

Khi Ngoại trưởng Marise Payne ngày 19/4 thông báo về việc thúc đẩy cuộc điều tra quốc tế về nCoV, Australia đã khiến cả thế giới ngạc nhiên khi đẩy cuộc đối đầu với Trung Quốc lên một nấc thang mới và chấp nhận nguy cơ trở thành mục tiêu "trút giận" của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, Australia không muốn đảm nhận vai trò này một mình. Canberra đang nỗ lực xây dựng một liên minh mới, với vai trò lãnh đạo được luân phiên giữa các thành viên, đủ sức để chống lại hành vi bắt nạt từ Trung Quốc cũng như lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại.

"Australia đang thiết lập lại quy tắc hợp tác để chúng ta có thể tự do hành động hơn và để làm được điều đó, bạn cần xây dựng một liên minh các quốc gia có cùng chí hướng", Andrew Hastie, thành viên nghị viện Australia, người đứng đầu Liên ủy Tình báo và An Ninh, nói.

Hastie giải thích rằng để có thể đảm nhận vai trò "lãnh đạo" trên vũ đài quốc tế, các cường quốc tầm trung như Australia cần dựa trên sức mạnh, trong đó có sức mạnh về số lượng.

Tuy nhiên, để thúc đẩy được cuộc điều tra về Covid-19, Australia sẽ cần chứng minh nhiều hơn về tính độc lập của cuộc điều tra cũng như thể hiện một nỗ lực quốc tế bền bỉ, tỉ mỉ, điều mà quốc gia này vẫn còn bỡ ngỡ.

"Thử thách thực sự sẽ là: Australia sẽ làm gì tiếp theo", Jennings đặt câu hỏi. Australia có ít kinh nghiệm trong vai trò lãnh đạo trên chính trường quốc tế và để khỏa lấp khoảng trống của Mỹ có vẻ "hơi quá sức".

Jennings gợi ý rằng nếu đề xuất điều tra Covid-19 "chết yểu" tại WHO, tổ chức đang được Trung Quốc tăng cường tài trợ sau khi Mỹ ngừng đóng góp ngân sách, Australia có thể tự xây dựng, cấp kinh phí và phụ trách một ủy ban điều tra độc lập với các thành viên đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Không rõ nỗ lực kêu gọi cuộc điều tra quốc tế về Covid-19 của Australia sẽ đi về đâu, nhưng nhiều nhà quan sát tin rằng những nỗ lực nhằm khôi phục hợp tác quốc tế như vậy có thể trở thành lối thoát cho thế giới giữa đại dịch, trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều không thể hiện được vai trò của mình.

"Trật tự quốc tế dựa trên luật lệ vẫn cần được củng cố", Concetta Fierravanti-Wells, nghị sĩ Australia thường xuyên chỉ trích Trung Quốc, nói. "Nếu thế giới không hành động ngay lúc này thì còn chờ đến bao giờ nữa?"


Nguồn dẫn[edit | edit source]