Wn/vi/Cắt ngân sách WHO, Trump tạo thảm hoạ kép
Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020
Việc Trump cắt ngân sách cấp cho WHO được nhìn nhận là hành động tạo ra khủng hoảng giữa khủng hoảng, làm suy yếu nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu.
Trump ngày 14/4 tuyên bố ông đang chỉ đạo chính quyền ngừng cấp ngân sách và "thực hiện một cuộc đánh giá nhằm làm rõ vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong việc khiến thế giới mắc sai lầm nghiêm trọng khi đối phó Covid-19 và che đậy sự lây lan của nCoV".
Ông chủ Nhà Trắng lâu nay tin rằng WHO thiên vị Trung Quốc và thông đồng với Bắc Kinh che giấu về Covid-19 nhằm khiến Mỹ, đối thủ kinh tế chính của Trung Quốc, bị mù mờ thông tin trước dịch bệnh. Theo Trump, điều này khiến nhiều quốc gia lãng phí thời gian quý báu để chuẩn bị ứng phó và trì hoãn quyết định hạn chế đi lại.
Trump lưu ý Mỹ mỗi năm cấp ngân sách cho WHO từ 400 đến 500 triệu USD trong khi Trung Quốc "chỉ đóng góp gần 40 triệu USD".
Phản ứng với quyết định của Tổng thống Mỹ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố hiện "không phải lúc" để giảm ngân sách cho WHO hay bất kỳ tổ chức nào khác đang chiến đấu với dịch bệnh.
"Đây là lúc cộng đồng quốc tế cần đoàn kết nhằm ngăn chặn virus và những hậu quả thảm khốc của nó", Guterres nhấn mạnh trong một thông báo.
Giáo sư Nahid Bhadelia, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Boston ở Mỹ, nhận định việc rút lại ngân sách cấp cho WHO không khác gì thảm họa.
"Cắt giảm 15% (đóng góp của Mỹ) vào ngân sách WHO trong đại dịch được cho là lớn nhất thế kỷ chắc chắn sẽ gây ra thảm họa", bà viết trên Twitter. "WHO là một đối tác kỹ thuật toàn cầu, là nền tảng mà qua đó các quốc gia có chủ quyền chia sẻ dữ liệu, công nghệ, là con mắt của chúng ta trước quy mô toàn cầu của đại dịch này".
Phe Dân chủ cũng chỉ trích quyết định từ Tổng thống Trump, cảnh báo rằng nó có thể làm phức tạp hóa những nỗ lực toàn cầu nhằm kìm hãm dịch bệnh.
"Bất kỳ động thái nào của Tổng thống nhằm ép buộc các chuyên gia y tế Mỹ làm việc mà không có sự hỗ trợ từ WHO đều sẽ phản tác dụng và cuối cùng dẫn tới nhiều hệ lụy hơn", Chủ tịch Ủy ban Thẩm định Hạ viện Mỹ Nita Lowey nói.
Trước khi đưa ra quyết định, Trump đã đe dọa sẽ cắt ngân sách WHO. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng Tổng thống Mỹ đang muốn "chính trị hóa" dịch bệnh.
"Các đảng phải chính trị nên tập trung vào việc cứu người. Xin đừng chính trị hóa virus", Ghebreyesus phát biểu tại một hội nghị ở Geneva, Thụy Sĩ, hồi tuần trước. "Nếu muốn nhìn thấy thêm nhiều túi đựng xác hơn nữa, hãy làm thế. Nếu không muốn thấy thêm túi đựng xác, hãy kiềm chế việc chính trị hóa nó... Chúng ta sẽ nhìn thấy rất nhiều túi đựng xác trước mặt mình nếu không hành động".
Mỹ đóng góp khoảng 22% ngân sách WHO với các khoản tiền được chuyển qua nhiều cơ quan khác nhau. Những năm gần đây, WHO nhận được tiền từ Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Cơ quan Bảo vệ Môi trường và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ. Hầu hết số tiền được sử dụng để thực hiện các chiến dịch loại trừ bệnh bại liệt và hỗ trợ y tế, dinh dưỡng cho châu Phi.
Số liệu từ WHO cho thấy đóng góp của Mỹ vào WHO trong năm 2020 dự kiến rơi vào khoảng 116 triệu USD, nhưng Washington hoàn toàn có thể tự nguyện đóng góp lớn hơn. Ví dụ, năm 2017, Mỹ đã tự nguyện góp 401 triệu USD, theo phân tích từ Quỹ Gia đình Kaiser.
WHO đóng vai trò quan trọng trong tư vấn cho các quốc gia đang phát triển về những vấn đề y tế và khủng hoảng. Việc cắt giảm ngân sách của tổ chức ở thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng như hiện nay tiềm ẩn nguy cơ khiến virus vượt khỏi tầm kiểm soát ở những khu vực có diễn biến bệnh phức tạp, đồng thời có thể khiến nó bùng phát trở lại ở những nước phát triển đã kiềm chế dịch bệnh thành công.
"Nếu giáng đòn vào WHO, bản thân chúng ta cũng sẽ chịu tác động bởi nó sẽ khiến nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh toàn cầu trở nên khó khăn hơn và điều đó không tốt cho lợi ích của chúng ta", Jeremy Konyndyk, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, trụ sở ở Washington, bình luận.
"Khi lửa vẫn còn cháy, dù ở bất kỳ đâu trên thế giới, tất cả chúng ta đều sẽ bị tổn thương", Konyndyk nói thêm. "Và WHO thực sự giữ một vai trò quan trọng để dập tắt những đám cháy như vậy. Chúng ta nên tạo điều kiện để họ làm việc này thay vì gây chiến với họ".
Jack Chow, đại sứ Mỹ về ứng phó HIV/AIDS toàn cầu dưới thời tổng thống George W. Bush, đánh giá việc Mỹ rút ngân sách khỏi WHO sẽ làm ảnh hưởng của Trung Quốc tiếp tục được mở rộng trong tổ chức.
"Khi Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, họ sẽ tạo thêm được ảnh hưởng trong toàn bộ hệ sinh thái của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả WHO. Phản ứng của WHO trước cách Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh đã cho thấy sự công nhận mà WHO dành cho Trung Quốc trong gần như tất cả các lĩnh vực chiến lược", ông nhận xét.
Theo Konyndyk, quyết định cắt ngân sách không liên quan đến việc WHO đã làm hay không làm gì mà chủ yếu nhằm mục đích đánh lạc hướng dư luận khỏi những phản ứng có phần lúng túng và chậm chạp ban đầu của chính quyền Trump trước Covid-19 và thực tế là Mỹ giờ đây trở thành tâm dịch toàn cầu.
"WHO là một con dê tế thần bởi họ không thể chống trả. Họ không thể và không muốn chỉ trích thành viên của mình. Nếu Mỹ muốn đổ lỗi cho họ, họ chỉ đơn giản là ngồi đấy và chấp nhận", Konyndyk nói. "WHO thực sự là một con dê tế thần hoàn hảo đối với Nhà Trắng nhưng thật nực cười khi nghĩ rằng họ bằng cách nào đó phải chịu trách nhiệm vì phản ứng chậm chạp của Mỹ".
Cả Konyndyk và Chow đều tin rằng việc Mỹ cắt ngân sách đóng góp cho WHO trong lúc Covid-19 gây chao đảo thế giới là hành động tự chuốc lấy thất bại.
"Việc cắt ngân sách sẽ gây phản tác dụng sâu sắc đối với các lợi ích của Mỹ bởi Mỹ được lợi trong việc ngăn chặn virus ở bất kỳ đâu. Nếu dịch bệnh chưa được dập tắt hoàn toàn, chúng ta vẫn có nguy cơ bị tổn thương. WHO có vai trò cực kỳ quan trọng trong đó", Konyndyk nhấn mạnh.
"Họ được bộ y tế các nước trên thế giới lắng nghe nhưng họ đặc biệt có ảnh hưởng đối với bộ y tế ở những nước đang phát triển", Konyndyk cho hay. "Các nước này sẽ cần tới sự giúp đỡ từ WHO".
Chow nhận định bất kể Trump bất bình với WHO như thế nào, cắt viện trợ ở thời điểm như hiện nay là một "sai lầm nghiêm trọng" bởi WHO là nhà cung cấp tư vấn y tế công cộng chính ở những trung tâm dân số lớn của thế giới với hệ thống y tế còn mong manh.
"Cắt ngân sách WHO đồng nghĩa với việc rút các cố vấn y tế khỏi những khu vực này giữa lúc họ cần nhất. Nếu Covid-19 tăng tốc lây lan ở những khu vực nghèo khó, dịch bệnh có thể kéo dài thêm nhiều tháng thậm chí nhiều năm nữa hoặc có thể tồn tại vĩnh viễn với loài người. Hành động của Trump, tạo ra khủng hoảng giữa khủng hoảng, sẽ làm suy yếu phản ứng toàn cầu ở vào một thời điểm vô cùng bấp bênh", ông đánh giá.