Wn/vi/Anh khó 'mở cửa' đón hàng triệu người Hong Kong
Thứ 5, ngày 2 tháng 7 năm 2020
Thủ tướng Johnson cam kết cấp thị thực, thậm chí quốc tịch, cho gần ba triệu người Hong Kong, nhưng nhiều người hoài nghi về tính khả thi của nó.
"Nhiều người ở Hong Kong lo sợ cách sống của họ, điều mà Trung Quốc đã cam kết duy trì, đang bị đe dọa", Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trong một bài báo được đăng trên tờ Times và South China Morning Post hôm 2/6. "Nếu Trung Quốc giải đáp thỏa đáng nỗi lo này, Anh có thể thanh thản quay lưng. Nếu ngược lại, chúng tôi sẽ tôn trọng nghĩa vụ của mình và đưa ra giải pháp thay thế".
Tuyên bố được Johnson đưa ra sau khi quốc hội Trung Quốc tuần trước thông qua nghị quyết về xây dựng luật an ninh, hình sự hóa hành vi "làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ" nhắm vào chính quyền trung ương và cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại Hong Kong.
Những người phản đối lo ngại dự luật sẽ làm xói mòn các quyền tự do và tự chủ được đảm bảo khi Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997. Thủ tướng Johnson cũng nhận định luật an ninh Hong Kong sẽ "tước đi các quyền tự do và làm xói mòn đáng kể quyền tự chủ của thành phố".
Do đó, Johnson khẳng định nếu Trung Quốc quyết áp luật an ninh, London sẽ cho phép người giữ hộ chiếu hải ngoại (BNO) đến Anh, tìm việc làm và học tập trong vòng 12 tháng, thay vì 6 tháng như trước, "mở đường" cho họ trở thành công dân nước này.
"Đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất về quy định thị thực của chúng tôi trong lịch sử. Tôi hy vọng điều này không xảy ra", ông Jonhson nói.
Theo Thủ tướng Anh, khoảng 350.000 người Hong Kong hiện sở hữu hộ chiếu BNO và khoảng 2,5 triệu người khác đủ điều kiện để nộp đơn xin cấp hộ chiếu như vậy.
Hộ chiếu BNO được trao cho người sinh ra ở Hong Kong trước năm 1997, thời điểm Anh trao trả vùng lãnh thổ này cho Trung Quốc. Theo quy định hiện hành, người Hong Kong mang hộ chiếu BNO được phép ở lại Anh trong 6 tháng.
Trong Đạo luật Quốc tịch được Anh thông qua năm 1981, người Hong Kong được xem là "Công dân lãnh thổ thuộc Anh" (BDTC), nhưng không có quyền định cư tại quốc gia này.
Thời điểm đó, tương lai của Hong Kong vẫn chưa được định đoạt. Trong các cuộc đàm phán Trung - Anh về Hong Kong từ năm 1982 tới 1984, Trung Quốc tuyên bố rõ ràng tất cả người Hong Kong mang "quốc tịch Trung Quốc", đồng thời không công nhận việc mang hai quốc tịch và quyền BDTC.
Cho tới tháng 12/1984, Thủ tướng Trung Quốc Triệu Tử Dương và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thay mặt cho chính phủ hai nước ký Tuyên bố chung Trung - Anh, quyết định trao trả Hong Kong cho Bắc Kinh kể từ ngày 1/7/1997. Theo đó, Anh và Trung Quốc cũng đạt được thỏa thuận về vấn đề quốc tịch của người dân Hong Kong.
Theo bản ghi nhớ của Bắc Kinh, tất cả người Hong Kong, bao gồm người có hộ chiếu BDTC, đều mang quốc tịch Trung Quốc. Nhưng sau năm 1997, những người có quyền BDTC được phép sử dụng giấy thông hành do chính phủ Anh cung cấp. Trong khi đó, bản ghi nhớ của Anh nêu rõ tất cả người sở hữu BDTC ở Hong Kong từ ngày 1/7/1997 sẽ chuyển sang "trạng thái đặc biệt", được phép có hộ chiếu Anh nhưng không có quyền định cư ở nước này. Theo Sắc lệnh Quốc tịch Anh của Hong Kong năm 1986, "trạng thái đặc biệt" được chuyển thành BNO.
Lời hứa "mở cửa" với người Hong Kong của Thủ tướng Boris Johnson được đưa ra trong bối cảnh London đang vấp phải nhiều chỉ trích vì cách phản ứng với Covid-19 và cuộc "ly dị" với Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) mới kết thúc. Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao Johnson lại đưa ra quyết định này.
Theo Patrick Wintour, biên tập viên Guardian, lý do đầu tiên có thể là do chính quyền Thủ tướng Johnson cảm thấy cần có trách nhiệm với Hong Kong, vùng lãnh thổ Anh từng cai quản trước khi trao trả cho Trung Quốc.
"Đảng Bảo thủ có lẽ sẽ có chút cảm giác tội lỗi về cách đối xử của họ với người Hong Kong", Wintour nói. "Người Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại, được nhận hỗ trợ và bảo hộ thông qua các cơ quan ngoại giao của Anh, nhưng không có quyền sống và làm việc tại quốc gia này. Những người sinh sau năm 1997 thậm chí không được hưởng các quyền đó".
Một nguyên nhân khác có thể là London cùng với các quốc gia khác trên thế giới đang nỗ lực gây sức ép để Bắc Kinh rút lại luật an ninh, được cho làm "xói mòn quyền tự chủ tương đối cao" của Hong Kong, theo Mark Landler, biên tập viên NYTimes.
Wintour cho rằng động thái của Johnson còn có thể xuất phát từ một lý do khác. Hè năm ngoái, nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ đã nhận định rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình là mối đe dọa cho phương Tây và cần được ngăn chặn.
"Cuộc di cư lớn của người Hong Kong, nơi được xem viên ngọc trong vương miện kinh tế của Trung Quốc, sẽ khiến vương miện đó bị hư hỏng nặng", Wintour nói.
Tuy nhiên, câu hỏi khác đặt ra là liệu dự định của chính quyền Thủ tướng Johnson có thể hiện thực hóa hay không. Rất ít chuyên gia tin rằng hàng triệu người Hong Kong có thể dễ dàng tới Anh như tuyên bố của Johnson.
Nhiều cuộc thăm dò mới đây cho thấy Thủ tướng Johnson nhận được nhiều ủng hộ với đề xuất cấp thị thực cho người Hong Kong. Tuy nhiên, theo biên tập viên Mark Landler, sự ủng hộ đó khó có thể kéo dài nếu lượng lớn người Hong Kong đổ xô tới Anh nhập cư, giữa lúc nền kinh tế nước này đang lao đao vì Covid-19.
Anh đã chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu ngày 31/1, kết thúc hơn 4 thập kỷ hợp nhất về kinh tế, chính trị và pháp luật với các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về Brexit ở Anh, phần lớn được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc nhập cư không kiểm soát, dường như vẫn chưa dừng lại. Landler lo rằng nếu người Hong Kong tới Anh sẽ có thể dấy lên cuộc tranh luận mới ở Anh.
Ngoài ra, Anh còn phải đối mặt với sự chỉ trích của Bắc Kinh sau những động thái mới của mình. Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 3/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cảnh báo London phải "dừng ngay lập tức việc can thiệp vào các vấn đề của Hong Kong cũng như vấn đề nội bộ của Trung Quốc, nếu không điều này chắc chắn sẽ phản tác dụng".
"Chúng tôi khuyên Anh lùi khỏi bờ vực, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, tư duy thuộc địa của họ và công nhận, tôn trọng thực tế rằng Hong Kong đã được trao trả", ông Triệu nói.
Nhiều chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ không để người Hong Kong rời đi. "Với chính phủ Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình, chúng ta không thể loại trừ khả năng người Hong Kong sẽ không được tự do tới Anh. Chúng ta không thể điều pháo hạm tới Hong Kong để đưa họ khỏi đó", Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc SOAS tại London, cho hay.
Nguồn dẫn
[edit | edit source]- "Anh khó 'mở cửa' đón hàng triệu người Hong Kong" – VnExpress, 4/6/2020