Wn/vi/Đài Loan sẽ đưa tàu tuần tra 'khủng' ra Biển Đông

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Đài Loan sẽ đưa tàu tuần tra 'khủng' ra Biển Đông

Thứ 3, ngày 2 tháng 6 năm 2020 Đài Loan sẽ đưa tàu tuần tra hạng nặng 4,000 tấn CG-160 đầu tiên vào biên chế của lực lượng hải cảnh vào đầu năm tới và hoạt động trên Biển Đông. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong hôm nay (2/6), nhà lãnh đạo Thái Anh Văn sẽ tham dự lễ hạ thủy tàu tuần tra 4.000 tấn CG-160 của lực lượng hải cảnh Đài Loan tại xưởng đóng tàu CSBC ở phía nam thành phố cảng Cao Hùng.

“Sau khi tàu CG-160 được hạ thủy, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành các bài thử nghiệm đối với thiết bị và hệ thống trên tàu, trước khi chính thức chuyển giao cho Cơ quan bảo vệ bờ biển vào cuối năm nay”, ông Wei Cheng-tzu, Phó Chủ tịch CBSC nói.

Đài Loan sẽ đưa tàu tuần tra 'khủng' ra Biển Đông Đội tàu tuần tra Kaohsiung của Đài Loan sẽ được bổ sung thêm 4 tàu "khủng" CG-160 trọng tải 4.000 tấn thực hiện sứ mệnh trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters) CG-160 hiện là tàu tuần tra “khủng” nhất của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan. Trong đó, CBSC là nơi sản xuất 4 tàu CG-160 có giá trị 10,44 tỉ Đài tệ (347 triệu USD). Ba chiếc CG-160 còn lại sẽ được chuyển giao cho tới năm 2025, theo ông Wei.

Theo CBSC, vỏ tàu CG-160 được thiết kế để trang bị các loại vũ khí gồm rocket 2,75 inch có khả năng tấn công mục tiêu nằm cách 10 km. Ngoài ra, tàu còn mang theo các súng máy hạng nặng 20 mm, tháp súng và cơ sở y tế có thể được dùng làm bệnh viện dã chiến trong thời chiến hoặc thực hiện sứ mệnh cứu hộ cứu nạn.

Còn theo lực lượng hải cảnh Đài Loan, tàu tuần tra trang bị vũ khí hạng nặng CG-160 còn có một bãi đỗ trực thăng để phục vụ hoạt động của các trực thăng Black Hawk và Sikorsky mà hải quân Đài Loan đang sử dụng.

CBSC tiết lộ thêm, tàu tuần tra CG-160 sẽ được đưa vào biên chế của hải cảnh Đài Loan vào năm tới mà khả năng trước tháng 4/2021.

Ngoài tàu tuần tra khủng CG-160, hôm 1/6, giới chức Đài Loan cho hay Đài Bắc sẽ bắt đầu sản xuất lô máy bay huấn luyện hiện đại vào năm tới sau khi hoàn thành các chuyến bay thử nghiệm vào cuối tháng này. Đây là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường khả năng huấn luyện cho các phi công Đài Loan khi mà mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc ngày càng lớn.

Cụ thể, Tập đoàn Phát triển công nghiệp hàng không Đài Loan (AIDC) cho biết máy bay huấn luyện hiện đại đầu tiên Yung Yin hay còn gọi là Brave Eagle sẽ tiến hành các cuộc thử nghiệm bay vào cuối tháng Sáu, trước khi lô đầu tiên được sản xuất vào tháng 11/2021.

Ông Hu Kai-hung, Chủ tịch của AIDC nhấn mạnh theo kế hoạch, tập đoàn sẽ chuyển giao 66 máy bay huấn luyện Yung Yin cho không quân Đài Loan vào tháng 6/2026. Cơ quan Quốc phòng Đài Loan thông báo hôm 1/6 rằng, dự án sản xuất Yung Yin trị giá 250 tỉ Đài tệ sẽ được bắt đầu vào năm tới.

Bản mẫu của máy bay Yung Yin được công bố vào tháng 9/2019. Sự ra đời của Yung Yin nhằm thay thế các máy bay huấn luyện đã lỗi thời như AT-3 và F-5E/F.

Ông Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan nhận định, sự ra đời của máy bay huấn luyện thế hệ mới sẽ tăng khả năng hỗ trợ cho lực lượng hải quân và không quân trong các cuộc xung đột bùng nổ ở eo biển Đài Loan.

“Một khi được trang bị tên lửa và bom, máy bay huấn luyện Yung Yin vốn được dùng trong thời bình để huấn luyện phi công cũng có thể được sử dụng trong thời chiến”, ông Su nói.

Còn theo một quan chức quân sự Đài Loan giấu tên, tàu tuần tra hạng nặng CG-160 của lực lượng hải cảnh Đài Loan cũng được thiết kế để phục vụ trong thời chiến.

Giới chuyên gia cho biết thêm ngoài chương trình phát triển máy bay và tàu chiến nội địa, Đài Loan cũng sẽ hướng tới cả các hệ thống phòng thủ để bảo vệ hòn đảo trong trường hợp không may xảy ra xung đột.

Điển hình, Đài Loan sẽ mua thêm các tên lửa chống hạm phóng từ mặt đất AGM-84 Harpoon của Mỹ để bảo vệ khu vực bờ biển, theo ông Chang Che-ping, một quan chức thuộc Cơ quan Quốc phòng Đài Loan.

Phát biểu hồi tuần trước, ông Chang cho biết quân đội Đài Loan sẽ sớm đưa ra lời đề nghị chính thức với Washington và hy vọng sẽ tiếp nhận các tên lửa AGM-84 Harpoon vào năm 2023. Song ông Chang không tiết lộ số lượng cụ thể tên lửa AGM-84 Harpoon mà Đài Loan muốn mua.

Lâu nay, Trung Quốc vẫn chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai. Bắc Kinh cũng nhiều lần nhấn mạnh nhấn, Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”. Kể từ khi bà Thái Anh Văn trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016 và khẳng định không chấp nhận chính sách “một Trung Quốc”, quân đội Trung Quốc đã cho tăng cường tổ chức các cuộc tập trận mang tính răn đe gần đảo Đài Loan.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào ngày 20/5, bà Thái đã nhấn mạnh tới việc Đài Loan sẽ cho tăng cường năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng để sản xuất các loại vũ khí nội địa và tăng khả năng phòng thủ trước mối đe dọa quân sự ngày càng lớn từ phía Trung Quốc.

Nguồn dẫn[edit | edit source]