Wn/vi/Yêu thương nhau thì lấy nhau, con trai lấy con trai cũng được mà!

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Yêu thương nhau thì lấy nhau, con trai lấy con trai cũng được mà!

Thứ 2, ngày 2 tháng 5 năm 2011

(LGBT.vn) Cuộc sống của người đồng tính đa phần bị đè chặt một bởi tảng đá rất to và nặng mang tên “mặc cảm”. Không phải họ không đủ sức để tự giải thoát mình khỏi “ngũ hành sơn”, mà vì họ sợ.

Sợ rằng khi hẩy đổ được hòn đá này, sẽ có những hòn đá khác to hơn, nặng hơn sẵn sàng đổ ụp xuống đầu mình bất cứ lúc nào.

Những dằn vặt, lo lắng, đau khổ… chao đi đảo lại một cách tuần hoàn. Nói? Không nói? Nói?… hay không nói? Nếu không nói, liệu có giữ được “bí mật” này đến hết cuộc đời? Nếu nói, nói với ai, nói thế nào, nói bao nhiêu là đủ? Cha mẹ, bạn bè, người thân là một nhẽ, nhưng còn hàng xóm láng giềng, còn tiếng đời dị nghị, sẽ phải đối mặt ra sao?

Có những câu bông đùa trong một cuộc vui, những lời lẽ nói ra một cách vô tình mà sắc còn hơn dao cứa. Bạn chọn cách nào? Đối mặt với nó một lần hay lẩn tránh những tảng đá dư luận này suốt cả cuộc đời? Hãy thử xem những kinh nghiệm được chia sẻ bởi “người trong cuộc” bạn nhé.

– Chào anh Khanh, bé nhỏ trong hình là con nuôi của 2 anh?

Oh, không. Đứa nhỏ trong hình là cháu của Nguyên. Tại… thèm con nít quá nên bế cháu chơi đỡ thôi.

– Con trẻ vô tư, có khi nào nó hỏi tại sao hai chú không cưới các cô gái mà lại… cưới nhau không?

Tụi anh chưa “bị” hỏi thế bao giờ. Nhưng mà hồi kỳ đám cưới, có một đứa nhỏ cầm nhẫn (theo phong tục – PV), nó có hỏi mẹ của nó một câu tương tự như thế, và mẹ nó giải thích là yêu thương nhau thì lấy nhau, con trai lấy con trai cũng được mà.

Nghe giải thích xong, thằng bé hiểu ra, nó lấy tờ giấy vẽ lên đó hình trái tim và ký tặng bọn anh chữ “Love Jacky” hết sức dễ thương. Thực ra ở bên này thoáng hơn Việt Nam mình rất nhiều, có cả sách và truyện cho con nít về các gia đình đồng tính.

– Thế còn người thân của mình thì sao nhỉ? Ý em hỏi những người thân nhưng lâu rồi chưa gặp mặt.

Chắc chắn bọn anh sẽ rơi vào những hoàn cảnh như thế khi quay lại Việt Nam. Anh nghĩ là bọn anh sẽ để cho bố mẹ nói chuyện với họ hàng trước. Còn nếu bất kỳ ai có hỏi trực tiếp, thì anh sẽ trả lời rằng đơn giản tại… thương thì lấy. Hoặc vui hơn, có thể trả lời là tại mắc nợ nhau rồi thì phải trả nợ nhau thôi.

– Em sẽ phải giới thiệu về bọn anh thế nào với bạn bè của em?

Đơn giản mà, em cứ nói “đây là Khanh, còn kia là honey anh ấy”.

– Nếu để bọn anh tự giới thiệu thì sao?

Cái hôm mà bọn anh tổ chức đám cưới, anh Nguyên đã giới thiệu với mọi người, anh là husband của anh ấy đấy.

Nói chơi thôi, tụi anh thường nói my other half, my hubby (tiếng lóng của chữ husband – PV)… hoặc trên giấy tờ thì viết là my spouse, tiếng Việt mình có nghĩa là người phối ngẫu, trong tiếng Anh thì chữ này có thể dùng cho cả vợ hoặc chồng đều được.

– Giả sử đi xem kịch với bạn bè, họ vô tình buận lình diễn viên này “bóng” quá, diễn viên kia “ô-môi” quá, anh sẽ cảm thấy thế nào và xử sự ra sao?

Tất nhiên là thấy không hài lòng lắm. Anh có thể nói bạn anh rằng “họ “bóng” chứ tụi bay có “bóng” không mà nói lắm thế”, hoặc hiền hoà hơn là “họ “bóng” thì kệ họ chứ sao?”. Nói cung còn tuỳ thuộc vào người kia bình phẩm như thế nào về… “bóng”! Tụi anh thì chưa có gặp trường hợp như vậy bao giờ nên cũng hơi khó nghĩ.

– Sẽ còn khó chịu hơn nữa nếu người ta chĩa mùi dũi công kích thằng vào mình và kêu mình bằng… chị?

Nếu là bạn bè đùa giỡn thì thôi. Còn nếu gọi như thế với thái độ miệt thị thì sùng quá là đập luôn. Ở một mức độ nhẹ nhàng hơn, mình cũng gọi ngược lại người đó là chị, so… they will feel the same. Họ sẽ biết cái cảm giác khi nghe câu nói đó là như thế nào thôi.

– Tình huống nào anh đã gặp phải mà anh thấy khó xử nhất? Anh đã xử trí thế nào?

Thật sự, cách cư xử của cả hai đứa tụi anh theo kiểu nhã nhặn cho nên bạn bè cũng không có ba trợn hay làm mình khó xử. Đa số những người quen biết họ biết và hiểu con người của tụi anh trước rồi sau đó mới biết về giới tính của tụi anh. Cho nên họ không có ác cảm và cũng chẳng có ý đồ gì xấu với mình. Trường hợp khó xử gần đây nhất mà anh nhớ ra được là có lần bà sếp của anh gọi anh lại hỏi người yêu anh là ai. Lúc đó bả chưa biết anh là gay nên anh cũng hơi lúng túng nghĩ xem nên trả lời thế nào. Sau vài giây, anh nói thẳng: “anh ta tên là Nguyên”. Thế là bả la lên “oh…” và kể cho anh nghe, em trai của bả cũng là gay.

– Giả sử bà sếp đó đùng đùng nổi giận hay tỏ ý khinh miệt thì sao?

Bả không thể cư xử như vậy được. Cho dù bả không thích gay, bà cũng không thể và không có quyền cư xử vậy đâu. Vì chỗ anh làm là làm việc cho chính phủ, và chính phủ có luật bảo vệ gay hẳn hoi. Thậm chí, có cả công đoàn bảo vệ quyền lợi cho gay. Bất kỳ ai, chỉ cần trong lời ăn tiếng nói có ý miệt thị gay đều có thể bị… mất việc.

– Thế nhưng ở Việt Nam thì hoàn toàn khác. Anh có lời khuyên nào cho các bạn gay ở Việt Nam không?

Anh hiểu, điều đó là cho gay ở Việt Nam rất khó come-out (cho mọi người biết mình là gay – PV) vì họ sợ. Theo anh nghĩ, ở Việt Nam, thì mình phải xem xem ở trong chỗ làm, họ có cởi mở về gay hay không? Nếu biết rõ họ kỳ thị thì không nên và chưa thể come-out ra được. Hãy cố chịu đựng cho đến khi mình thật sự chứng minh được năng lực làm việc của mình, hoặc mình đạt được vị trí nhất định nào đó, khi ấy chắc mọi việc sẽ dễ chịu hơn. Còn nếu chỉ là “thường dân” trong chỗ làm thôi thì tốt hơn hết, hãy làm sao để mọi người hiểu rõ về mình tốt xấu ra sao trước và biết về giới tính thực của mình sau. Khi ấy, chắc chắn họ sẽ nghĩ đến nhân cách của mình mà bớt đi kỳ thị.

– Cảm ơn anh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu này. Chúc hai anh luôn luôn hạnh phúc.

HÃY TÔN TRỌNG CHÚNG TÔI
Đồng tính cũng như dị tính, chỉ là điều tự nhiên của đời sống. Cũng như có những người thuận tay trái và người khác thuận tay phải. Bởi thế, dị tính không phải là “bình thường” hơn đồng tính, và đồng tính cũng chẳng hay hơn dị tính. Mà chỉ đơn thuần, dân số đồng tính là một thiểu số trong xã hội thôi.

Trước khi đến với nhau, cả hai đều trong hành trình đi tìm nửa còn lại của mình. Và cũng như bao cặp tình nhân khác, khi đã đến được với nhau, cả hai rất hạnh phúc và không cảm thấy cô đơn nữa. Chúng tôi rất muốn có con vì cả hai đều rất yêu quý trẻ thơ và muốn được hưởng trọng trách làm cha. Nếu luật pháp Việt Nam cho phép thì Việt Nam là nước đầu tiên chúng tôi muốn xin con nuôi. Nếu không được thì chúng tôi sẽ xin con nuôi ở Canada này.

Chúng tôi mong mọi người hãy lắng nghe và nhìn nhận câu chuyện của chúng tôi, đừng vội định kiến. Không ai muốn mình bị kỳ thị nên mình đừng kỳ thị người khác. Với những người đồng tính, chúng tôi muốn nhắn nhủ một điều mình không làm gì sai trái với lương tâm, thì cứ ngẩng cao đầu mà sống thật với lòng mình. Rồi mọi người sẽ nhận ra chúng ta cũng như họ, đều là những con người biết yêu quí cuộc sống và cần phải được tôn trọng.|-

(Đinh Công Khanh – Nguyễn Thái Nguyên)

Nguồn dẫn[edit | edit source]