Jump to content

Wn/vi/Vụ án từng gây xáo động cộng đồng người Mỹ gốc Á

From Wikimedia Incubator
< Wn | vi
Wn > vi > Vụ án từng gây xáo động cộng đồng người Mỹ gốc Á

Thứ 2, ngày 29 tháng 6 năm 2020

Đêm 19/6/1982, thành phố Detroit, một thanh niên Mỹ gốc Hoa đang tiệc tùng chia tay đời độc thân cùng bạn bè thì ẩu đả nổ ra.

Vincent Chin, 27 tuổi, làm nghề vẽ phác thảo công nghiệp, chuẩn bị có một đám cưới trong mơ và bắt đầu xây dựng cuộc sống mới. Nhưng đêm đó, anh không thể trở về nhà. Vài ngày sau, 400 khách mời thay vì dự đám cưới lại phải đến dự đám tang của anh.

Ngày 23/6, Chin qua đời tại bệnh viện sau 4 đêm hôn mê vì bị đánh đập dã man bằng gậy bóng chày bên ngoài một cửa hàng McDonald's thuộc khu Highland Park, thành phố Detroit, thủ phủ ngành công nghiệp ôtô Mỹ.

"Vì lũ khốn chúng mày mà chúng tao mất việc", một trong những kẻ tấn công, Ronald Ebens, giám sát viên nhà máy sản xuất ôtô Chrysler, vừa đánh vừa mắng mỏ Chin tại bãi đỗ xe của câu lạc bộ thoát y Fancy Pants. Ebens và con trai riêng của vợ, Michael Nitz, người vừa bị sa thải, nghĩ Chin đến từ Nhật Bản.

Năm 1974, giá dầu đã tăng gấp 4 lần vài tháng sau một quyết định từ Tổ chức các Nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), áp lệnh cấm vận đối với dầu mỏ Mỹ. Đây là động thái đáp trả quyết định của chính quyền Mỹ, tái tiếp tế cho quân đội Israel trong cuộc chiến tranh Arab - Israel. Kết quả là ngành công nghiệp xe hơi Mỹ rơi vào khủng hoảng.

Doanh số bán xe hơi tiết kiệm nhiên liệu của Nhật Bản tăng vọt, trong khi doanh số xe hơi Mỹ tuột dốc không phanh. Các nhà sản xuất ôtô Mỹ bắt đầu sa thải công nhân, khiến tâm lý giận dữ nhanh chóng bùng lên trong xã hội.

"Bất kỳ ai lái xe Nhật đều có nguy cơ bị bắn khi đang đi trên đường, bất kể bạn da trắng hay da màu", nhà hoạt động Helen Zia cho hay.

"Phương Đông trỗi dậy và phương Tây suy tàn đã trở thành một chủ đề kinh điển", Frank Wu, hiệu trưởng Trường Queens thuộc Đại học City New York, cho hay.

Dù cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Chin kết thúc bên ngoài câu lạc bộ thoát y Fancy Pants, những kẻ gây gổ sau đó đuổi theo anh tới nhà hàng McDonald's. Chúng thậm chí còn trả 20 USD cho một người xa lạ để giúp tìm Chin.

Trước một đám đông người qua đường, Nitz ghì Chin xuống đất. Ebens dùng gậy bóng chày đập lia lịa vào thân thể và đầu Chin đến khi hộp sọ của anh nứt vỡ. Nhân chứng cho biết trước khi rơi vào hôn mê, Chin đã nói "thật không công bằng".

Hai năm trước vụ sát hại Chin, Zia, hiện 68 tuổi, cũng bị sa thải khỏi ngành công nghiệp ôtô và theo đuổi sự nghiệp viết lách với tư cách một phóng viên tự do cho tạp chí Detroit City rồi sau này là báo Detroit Metro Times.

Sau khi đọc về cái chết của Chin, bà bắt đầu đào sâu tìm hiểu câu chuyện. "Với tôi, câu hỏi lớn đặt ra là: Vì sao một người Mỹ gốc Hoa lại bị sát hại giữa lúc làn sóng căm ghét nhằm vào người Nhật Bản đang dâng cao", bà nói.

Tháng 3/1983, sự việc của Chin gây chú ý trở lại khi hai thủ phạm tấn công Chin nhận tội ngộ sát. Cả hai đều không phải đi tù mà chỉ bị phạt 3.000 USD và phải trả án phí 780 USD.

Chin từng làm thêm với công việc bồi bàn tại nhà hàng Trung Quốc Golden Star ở Ferndale, Detroit. Sau khi bản án được tuyên, Lily Chin, mẹ anh, gặp luật sư, đại diện cộng đồng người Hoa trong thành phố và một người Mỹ gốc Nhật tại nơi làm việc cũ của con trai mình để nói về thảm kịch.

Cái chết của Chin trở thành động lực khiến cộng đồng người Mỹ gốc châu Á trở nên đoàn kết. "Vụ Vincent Chin đã khiến các bồi bàn, đầu bếp, công nhân giặt là, công nhân cổ cồn xanh, nhà khoa học, kỹ sư và cả người Mỹ gốc Phi cùng đoàn kết đấu tranh cho công lý", bà nói thêm. "Đây là lần đầu tiên người Mỹ gốc Á kề vai với nhau, tự nhận mình là cộng đồng người Mỹ gốc Á, đấu tranh cho quyền lợi dân sự. Trước đây, phong trào chỉ giới hạn trong giới sinh viên và nhà hoạt động".

Vicky Wong, hôn thê của Chin, từ chối xuất hiện trước công chúng và không lên tiếng. Tuy nhiên, mẹ anh, Lily Chin tham dự tất cả các cuộc họp của cộng đồng. Bà khóc lóc sụt sùi nhưng luôn lắng nghe, theo lời Zia.

"Rồi bà ấy ngừng khóc và nói 'Chúng ta phải chứng minh rằng đây không phải công lý kiểu Mỹ. Chúng ta phải cho họ thấy rằng không một bà mẹ nào đáng phải trải qua những chuyện như vậy'", Zia cho hay.

Renee Tajima-Pena, 61 tuổi, nhà làm phim kiêm giáo sư nghiên cứu về người Mỹ gốc Á tại Đại học California ở Los Angeles, năm 1983 bắt đầu làm phim tài liệu về vụ án Vincent Chin. Cùng lúc, Zia và các luật sư đại diện gia đình Chin thành lập nhóm dân quyền mang tên Công dân Mỹ vì Công lý, đặt trụ sở ở Detroit. Các luật sư cho rằng luật dân quyền không được xây dựng để bảo vệ người Mỹ gốc Á.

Sau khi nhóm này tổ chức các cuộc biểu tình và liên tục gửi đơn lên tòa án liên bang, chính quyền liên bang tiến hành khởi tố vụ án, Zia cho biết. Năm 1987, gia đình Chin chiến thắng một vụ kiện dân sự chống lại những kẻ giết anh. Ebens và Nitz bị yêu cầu bồi thường cho Lily Chin lần lượt 1,5 triệu USD và 50.000 USD vì tổn thất tài chính mà bà phải chịu sau cái chết của con trai.

"Kết quả đó đem lại lợi ích cho tất cả người dân Mỹ", Zia nói. "Phán quyết từ vụ Vincent Chin có nghĩa là người Mỹ gốc Á giờ đây sẽ được bảo vệ, người nhập cư sẽ được bảo vệ".

Năm 1988, bộ phim tài liệu mang tên "Who Killed Vincent Chin?" của Tajima-Pena được công chiếu tại một liên hoan phim ở New York. Nó sau đó được đề cử giải Oscar cho hạng mục phim tài liệu hay nhất.

Tajima-Pena đánh giá vụ sát hại Chin "thực sự đã củng cố phong trào đấu tranh cho người châu Á" tại Mỹ.

Nitz, người ghì Chin xuống đất, đã bồi thường đủ số tiền 50.000 USD, nhưng số nợ của Ebens đã tăng lên 8 triệu USD do tiền lãi tích lũy. Dù không thể làm được gì nhiều từ góc độ pháp lý, Zia cho hay vụ án vẫn được làm mới lại mỗi năm bởi nhóm nhân quyền Công dân Mỹ vì Công lý.

"Bài học rút ra là chúng ta phải đoàn kết", Zia nói. "Trong vụ Vincent Chin, chúng ta đã làm được điều đó. Nó không thể đưa Vincent trở lại cuộc sống nhưng công lý được hưởng lợi".

Nguồn dẫn

[edit | edit source]