Wn/vi/Vệ tinh Malaysia sắp rơi xuống khí quyển sau 15 năm hoạt động

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Vệ tinh Malaysia sắp rơi xuống khí quyển sau 15 năm hoạt động

Chủ nhật, ngày 15 tháng 8 năm 2021 Template:Wn/vi/Malaysia Một sự cố chưa rõ nguyên nhân khiến vệ tinh Measat-3 không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ và sẽ lao xuống khí quyển bốc cháy.

Measat-3, vệ tinh thông tin 15 tuổi, gặp trục trặc hôm 21 tháng 6 và không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cuộc điều tra nguyên nhân gốc rễ vẫn đang được nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh Measat và nhà sản xuất Boeing tiến hành. Tuy nhiên, hôm 6 tháng 8, Measat quyết định cho vệ tinh này rời khỏi quỹ đạo.

"Các nỗ lực khôi phục và kiểm tra thêm cho thấy Measat-3 không thể hoạt động trở lại. Nó sẽ được hạ quỹ đạo trong những tuần tới", Measat thông báo. Công ty này chưa nêu rõ thời điểm Measat-3 dự kiến lao xuống khí quyển bốc cháy.

Measat-3 phóng lên không gian ngày 11 tháng 12 năm 2006 từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, cùng nơi mà tàu vũ trụ Soyuz thường xuất phát để chở phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Vệ tinh này cung cấp dịch vụ cho hơn 100 nước ở châu Á, Đông Âu, Trung Đông và châu Phi. Hãng truyền hình vệ tinh Astro là một trong những khách hàng bị ảnh hưởng khi vệ tinh này ngừng hoạt động. Đa số khách hàng đã chuyển sang các vệ tinh dự phòng vào giữa tháng 7.

Measat-3 lộn nhào trên quỹ đạo ít nhất từ ngày 1 tháng 7, theo công ty theo dõi không gian ExoAnalytic Solutions. "Vệ tinh hiếm khi có thể hoạt động trở lại từ trạng thái này", Bill Therien, phó chủ tịch điều hành kỹ thuật tại ExoAnalytic Solutions, cho biết.

Xung quanh Measat-3 không có mảnh vỡ nào cho thấy từng xảy ra một vụ va chạm khiến vệ tinh này gặp trục trặc, theo ExoAnalytic Solutions. Vệ tinh cũng không có nguy cơ va chạm với bất cứ vật thể không gian nào khác trong tương lai gần. Một số ý kiến cho rằng có thể nó đã cạn nhiên liệu sớm hơn dự kiến.

Measat đang chuẩn bị phóng một vệ tinh mới thay thế Measat-3 vào đầu năm 2022. Vệ tinh mới mang tên Measat-3d, do Airbus Defence and Space chế tạo.

Nguồn dẫn[edit | edit source]