Wn/vi/Vì sao Triều Tiên nhập cuộc đua vaccine Covid-19?

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Vì sao Triều Tiên nhập cuộc đua vaccine Covid-19?

Chủ nhật, ngày 26 tháng 7 năm 2020

Triều Tiên tuyên bố đang tự phát triển vaccine chống Covid-19, dù tới nay quốc gia này chưa báo cáo bất kỳ ca nhiễm nCoV nào.

Theo một báo cáo đăng trên trang Mirae, website do Ủy ban Khoa học và Công nghệ Triều Tiên quản lý hôm 18/7, các nhà khoa học tại ủy ban này đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine chống Covid-19. Báo cáo cho biết quá trình phát triển vaccine do một viện nghiên cứu về y sinh thuộc Viện Y học Triều Tiên dẫn dắt.

Triều Tiên xác nhận khả năng miễn dịch và độ an toàn của vaccine nói trên thông qua thử nghiệm ở động vật và các cuộc thử nghiệm lâm sàng đã bắt đầu trong tháng 7. Các nhà khoa học Triều Tiên đang thảo luận về việc tiến hành nghiên cứu lâm sàng giai đoạn ba, liên quan tới thử nghiệm trên người.

Đối với người dân Triều Tiên, thông tin trên là tín hiệu tích cực về tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế của quốc gia này. Tuy nhiên, với thế giới, tuyên bố mới của Bình Nhưỡng lại làm dấy lên nhiều hoài nghi về mục đích thực sự của nó.

Cuộc đua phát triển vaccine Covid-19, đại dịch khiến gần 16 triệu người nhiễm và hơn 600.000 người chết trên toàn cầu, là một trong những thách thức khoa học - công nghệ áp lực và khó khăn nhất mà thế giới phải đối mặt trong lịch sử gần đây.

"Nó có thể tiêu tốn rất nhiều tiền và các quốc gia đang đầu tư rất lớn để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh về ưu thế khoa học và niềm tự hào dân tộc", Joshua Berlinger, biên tập viên của CNN, nhận định.

Tuy nhiên, Triều Tiên là một trong những quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển nhất thế giới. Trong nhiều thập kỷ qua, quốc gia này luôn phụ thuộc vào hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về vaccine và tiêm chủng.

Năm 2019, Triều Tiên được liệt vào một trong những quốc gia yếu nhất thế giới về mức độ sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, theo Chỉ số An ninh Sức khỏe Toàn cầu do Đại học Johns Hopkins, Mỹ.

Nhưng khi Covid-19 tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia lớn với nền y học hiện đại trên thế giới như Mỹ, Triều Tiên đến nay chưa báo cáo bất kỳ ca nhiễm nCoV nào kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm ngoái.

"Tại sao một quốc gia không ghi nhận ca nhiễm nCoV và có nền kinh tế còn nhiều khó khăn lại bỏ thời gian, tiền bạc và nguồn lực vào cuộc đua phát triển vaccine?", Berlinger đặt câu hỏi.

Berlinger cho rằng việc tìm ra đáp án chính xác cho câu hỏi này không phải điều dễ dàng. Tuy nhiên, hai yếu tố có thể góp phần dẫn tới quyết định phát triển vaccine của Bình Nhưỡng, gồm nỗi sợ về mối đe dọa của Covid-19 và tham vọng chứng minh cho người dân Triều Tiên thấy lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng đối mặt thách thức, bảo vệ người dân của ông.

Triều Tiên là một trong số quốc gia đầu tiên xem Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, bởi hầu hết chuyên gia tin rằng nền y tế của quốc gia này sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu đại dịch tấn công. Nhiều cơ sở y tế của Triều Tiên không có nguồn cung cấp điện nước ổn định. Thuốc men và thiết bị y tế khác cũng thường trong tình trạng thiếu hụt.

Khả năng xét nghiệm cũng là vấn đề đối với Bình Nhưỡng. Cho tới đầu tháng 7, quốc gia 25 triệu dân này mới xét nghiệm được 922 người, theo tiến sĩ Edwin Salvador, đại diện của WHO ở Triều Tiên.

Tiến sĩ Salvador nói trong một email rằng kể từ khi đại dịch bắt đầu, Triều Tiên đã cách ly 25.551 người. Tính tới ngày 3/7, 255 người, tất cả là công dân Triều Tiên, vẫn được yêu cầu cách ly.

Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế cộng đồng hoài nghi về tuyên bố không ghi nhận ca nhiễm nCoV của Bình Nhưỡng. Bởi nCoV có khả năng lây nhiễm rất cao và có thể dễ dàng xâm nhập vào quốc gia này mà không bị phát hiện.

Tuy nhiên, Berlinger cũng cho rằng Triều Tiên có thể ngăn chặn tốt các ổ dịch lây lan, nhờ nhanh chóng triển khai các biện pháp phong tỏa, trong khi nhiều quốc gia khác còn chần chừ. Triều Tiên đã kiểm soát nghiêm ngặt người tới quốc gia này, thông thường chỉ cho phép một số lượng nhỏ du khách, nhà ngoại giao và nhân viên của các tổ chức cứu trợ, đồng thời quy định rõ ràng về nơi công dân được phép hoặc bị cấm đến. Nhiều người đào tẩu chia sẻ thông thường người Triều Tiên không được phép đi quá xa nhà mà chưa có sự chấp thuận của chính phủ.

Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Kim Jong-un nói nước này đã "thành công rực rỡ" trong ngăn chặn Covid-19 xâm nhập, nhưng kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác do đại dịch toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp.

Hiện chưa rõ việc phát triển vaccine có vai trò như thế nào trong chiến lược chống đại dịch của Triều Tiên. Bên ngoài Triều Tiên, phát triển vaccine đã có nhiều tiến triển. Tính tới ngày 15/7, hơn 140 "ứng viên" vaccine đã được thử nghiệm tiền lâm sàng và 23 loại đã chuyển sang thử nghiệm lâm sàng, theo báo cáo của WHO.

Cuộc đua phát triển vaccine của Triều Tiên dường như không hướng tới mục tiêu tài chính, mà là nỗ lực để tuyên truyền hình ảnh về đất nước.

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên từng được biết đến là quốc gia bán công nghiệp hóa và sở hữu các tiến bộ về công nghệ nhờ di sản Nhật Bản để lại trong thời gian chiếm đóng bán đảo này. Hầu hết nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Nhật Bản muốn sở hữu đều nằm ở phái bắc bán đảo, nguyên nhân khiến họ xây dựng các nhà máy ở khu vực này. Nền kinh tế của Hàn Quốc khi đó vẫn dựa chủ yếu vào nông nghiệp và mọi thứ chỉ thay đổi cho tới sau Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950.

Những người đào tẩu cho biết ngày nay, ưu thế về công nghệ của Triều Tiên đã trở nên mờ nhạt. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông của quốc gia này vẫn cố gắng truyền đi thông điệp về "một cường quốc công nghệ".

"Tài năng, khoa học và công nghệ là vũ khí và tài sản chiến lược quan trọng của chúng tôi", hãng thông tấn nhà nước KCNA nói hồi tháng 6 và thêm rằng đây là những thứ "khiến thế giới ngưỡng mộ".

Chương trình phát triển vũ khí hạt nhân được xem là ví dụ điển hình cho nhận định trên, khi Triều Tiên một trong 8 quốc gia trên thế giới từng thử nghiệm loại vũ khí này.

Truyền thông địa phương cũng có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực mà chính phủ chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là điện và an ninh lương thực. KCNA tuần trước đã báo báo về một loại khoai tây mới do các nhà khoa học Triều Tiên phát triển và việc nhân giống 10 loại rau "ngon và năng suất cao" mới. Bên cạnh đó, KCNA cũng từng đưa tin về nhiều thành tựu khác như đập nước "hàng đầu thế giới", công nghệ mới cho nhà máy bia Taedonggang, hay nhân giống loại cá vàng mới.

Tuy nhiên, phát triển vaccine Covid-19 là một thách thức khó hơn rất nhiều những thành tựu mà Triều Tiên đã đạt được. KCNA chưa có có báo cáo chính thức nào về kế hoạch nào, ngoại trừ thông tin được đăng tải trên Mirae.

Kế hoạch đầy tham vọng này rõ ràng được xem là công cụ tuyên truyền tuyệt vời cho lãnh đạo Triều Tiên, người có nhiệm vụ bảo vệ người dân dựa trên những khả năng phi thường của mình, theo Berlinger. Nguồn dẫn