Wn/vi/Trung Quốc tự tin đủ sức đối phó với Mỹ ở biên giới Ấn Độ và Biển Đông

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Trung Quốc tự tin đủ sức đối phó với Mỹ ở biên giới Ấn Độ và Biển Đông

Thứ 5, ngày 2 tháng 7 năm 2020

Biên giới Ấn – Trung căng thẳng, Biển Đông dậy sóng vì những tranh chấp lãnh hải. Ở những nơi này đều thấp thoáng nguy cơ xung đột Mỹ - Trung. Báo mạng EurAsian Times ngày 29/06/2020 đặt câu hỏi : Liệu Bắc Kinh có sẵn sàng đối mặt với Hoa Kỳ tại Biển Đông và biên giới Ấn – Trung hay không ?

Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang làm cho tình hình ở châu Á thêm nóng bỏng. Tại Biển Đông, ngay sau khi ASEAN khẳng định UNCLOS là cơ sở để giải quyết các tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông, Bắc Kinh ra thông báo tổ chức tập trận trong năm ngày từ 01-05/07 ở quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, Hoa Kỳ lần đầu tiên điều ba hàng không mẫu hạm đến tập trận cũng tại khu vực Biển Đông trong những ngày qua.

Xa hơn một chút ở Nam Á, cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở biên giới Ấn – Trung trên dãy Himalaya sau vụ đụng độ đẫm máu giữa quân đội hai bên hôm 15/06 đang bước vào vòng thứ ba. Trong khi chờ đợi, cả hai bên ồ ạt gởi quân tăng viện đến biên giới. Trung Quốc thông báo điều chiến đấu cơ Su-30 và oanh tạc cơ H-6. Để đáp trả, Ấn Độ cho triển khai dàn tên lửa phòng không Akash trên khu vực Ladakh.

Trong cuộc xung đột biên giới Ấn – Trung này lại thấp thoáng bóng dáng Mỹ. Giới chuyên gia Trung Quốc khẳng định những chuyển động này của Ấn Độ diễn ra ngay sau tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cho rằng Hoa Kỳ sẽ giảm bớt quân số ở Đức và điều sang triển khai tại những nơi khác nhằm « đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc nhắm vào Ấn Độ và các nước Đông Nam Á ».

Từ những quan sát trên, Bắc Kinh cho rằng Washington chỉ dùng New Dehli như một quân bài chiến lược để chống Trung Quốc khi kích động phe chủ nghĩa dân tộc. Giới quân sự Trung Quốc không loại trừ khả năng Hoa Kỳ dùng chiến thuật gởi lực lượng đến hỗ trợ Ấn Độ và chống các đội quân Trung Quốc ở Biển Đông, sao cho New Dehli có thể tiếp tục gia tăng các cuộc giao tranh và kềm chân Trung Quốc ở biên giới.

Đây sẽ là một sự ảo tưởng nếu tin vào một kịch bản như thế, giới chuyên gia Trung Quốc cảnh báo. The EurAsian Times dẫn lời ông Wei Dongxu, chuyên gia quân sự, khẳng định Hoa Kỳ chỉ sẽ lợi dụng tình thế để kềm chế Trung Quốc và sẽ chẳng bao giờ chốt quân ở biên giới Ấn Độ.

Chiến lược vây hãm Trung Quốc này của Mỹ được cho là quá kém. Bất chấp các căng thẳng biên giới Ấn – Trung và những cuộc đối đầu ở Biển Đông, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện là rất thấp. Thế nên, các chuyên gia quân sự Trung Quốc khi trả lời báo mạng EurAsian Times tỏ vẻ tự tin về khả năng có thể đối đầu với Mỹ trên tất cả các mặt trận nhờ vào các chiến lược răn đe của quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Chỉ có điều, chưa có lúc nào tinh thần bài Trung Quốc trên thế giới mạnh mẽ như lúc này kể từ vụ đàn áp đẫm máu phong trào Thiên An Môn năm 1989. Sau việc để đại dịch Covid-19 bùng phát lan rộng ra khắp thế giới, chính sách ngoại giao hung hăng, những hành động gây hấn ở biên giới với Ấn Độ và nhất là thái độ quyết đoán độc chiếm Biển Đông càng làm cho tinh thần bài Trung Quốc càng lớn.

Điển hình là lần đầu tiên, ASEAN đưa ra một lập trường cứng rắn về các vụ tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông khi khẳng định UNCLOS là cơ sở để giải quyết các bất đồng. Câu hỏi đặt ra : Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một liên minh quân sự Ấn Độ và Hoa Kỳ thật sự được hình thành ? Với giới chuyên gia Trung Quốc, đây có lẽ sẽ là một cơn ác mộng chiến lược cho Bắc Kinh.

Nguồn dẫn[edit | edit source]