Wn/vi/Thẩm định trình độ các ông đồ viết chữ tại Văn Miếu

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Thẩm định trình độ các ông đồ viết chữ tại Văn Miếu

Chủ nhật, ngày 1 tháng 2 năm 2015

Sáng hôm qua 31/1/2015, gần 50 ông đồ từ các tỉnh thành phía Bắc tụ hội về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để tham gia kỳ sát hạch nhằm tuyển chọn người vào viết chữ trong Hồ Văn dịp Tết Ất Mùi.

Ông Trần Quốc Chí, thành viên Ban tổ chức Hội chữ xuân 2015 cho biết, cuộc sát hạch này nhằm nâng tầm hoạt động viết thư pháp từ tự phát sang tự giác, đảm bảo chất lượng con chữ và tổ chức phố ông đồ quy củ hơn. Các ông đồ phải trình bày một tác phẩm thư pháp gồm 4-5 chữ Hán - Nôm hoặc Quốc ngữ trong 15 phút. Tiêu chí đặt ra là viết đúng chữ theo từ điển, đúng quy cách thư pháp (bố cục, đường nét, trình tự con chữ…), nội dung phù hợp với chủ đề của Hội chữ xuân 2015 là khuyến học hoặc về mùa xuân. Các ông đồ có thể sáng tác thư pháp nhưng buộc phải viết đúng và người xem luận được con chữ. Bố cục tác phẩm, vị trí đóng triện... cũng là một trong những tiêu chí.

TS Phạm Văn Ánh, chuyên gia nghiên cứu Văn học cổ trung đại và Hán - Nôm (Viện Văn học), thành viên ban tuyển chọn cho biết: "Chúng tôi yêu cầu các ông đồ phải biết lượng chữ nhất định để đảm bảo khi người dân xin, mình có thể viết đúng chữ nghĩa, có thẩm mỹ. Nếu chữ viết xấu, vốn từ, số chữ nắm được kém thì các ông đồ không được vào Hồ Văn."

Cuộc tuyển chọn có rất đông ông đồ cao tuổi, chủ yếu ở mảng thư pháp Hán - Nôm. Bên cạnh đó, có những "anh đồ" trẻ ham mê viết chữ cũng đến thi tài, mong muốn được vào Hồ Văn khẳng định tên tuổi của mình. Nhiều "ông đồ" cho biết rất hào hứng, cảm giác như được sống trong không khí lều chõng đi thi của các cụ ngày xưa. Vì thế, ai cũng chuẩn bị bút mực cẩn thận.

Ngay sau cuộc thi, các ông đồ được nghe ban giám khảo công bố kết quả. Chỉ 12/48 tác phẩm đạt yêu cầu, số còn lại bị đánh giá là viết yếu, bố cục sai, không thẩm mỹ, đặc biệt nhiều bài mắc lỗi sơ đẳng như sai chữ... Nhiều người tuy buồn vì bị loại, nhưng nuôi quyết tâm sẽ về nhà rèn chữ, đi học thêm thư pháp để năm sau lại thi tuyển.


Nguồn dẫn[edit | edit source]