Wn/vi/Rủi ro Trung Quốc đối mặt với luật an ninh Hong Kong

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Rủi ro Trung Quốc đối mặt với luật an ninh Hong Kong

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Việc áp luật an ninh với Hong Kong có nguy cơ thổi bùng biểu tình và khiến Trung Quốc hứng chịu thêm áp lực từ cộng đồng quốc tế.

Nghị quyết về luật an ninh Hong Kong, do quốc hội Trung Quốc (NPC) đề xuất tại phiên họp thường niên khai mạc tuần trước, được cho là nước cờ mới và táo bạo nhất trong nỗ lực kiểm soát đặc khu của Bắc Kinh. Một số nghị sĩ, lãnh đạo doanh nghiệp và luật sư ở Hong Kong đánh giá đây là bước ngoặt lịch sử với mô hình "một quốc gia, hai chế độ", cơ chế giúp đặc khu nắm quyền tự trị đáng kể sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc hồi năm 1997.

Một số quan chức Trung Quốc giấu tên cho hay NPC là nơi đề xuất dự luật bởi họ biết nó sẽ rất khó được thông qua tại Hội đồng Lập pháp Hong Kong. "Hong Kong vẫn chưa hoàn thiện luật pháp về an ninh kể từ khi trở về với Trung Quốc. Sau những cuộc biểu tình bất tận, đã đến lúc Bắc Kinh lên tiếng rằng quá đủ rồi", một nguồn tin am hiểu vấn đề nói.

Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm 22/5 bày tỏ tin tưởng "sâu sắc" rằng luật mới sẽ giúp "ngăn chặn, kiềm chế một cách thiết thực và hiệu quả các hành vi gây suy yếu an ninh quốc gia nghiêm trọng, cũng như trừng phạt những người phá hoại an ninh quốc gia bằng cách ủng hộ Hong Kong độc lập và sử dụng vũ lực".

Tuy nhiên, theo bình luận viên David Lague của Reuters, Trung Quốc cũng có nguy cơ hứng chịu nhiều rủi ro với động thái này, trong đó nguy cơ trước mắt là làn sóng biểu tình mới, thậm chí có thể dữ dội hơn ở Hong Kong. Ngay sau khi kế hoạch ban hành luật được công bố, hàng nghìn người Hong Kong đã tập trung chặn đường, hô khẩu hiệu phản đối chính quyền, khiến lực lượng an ninh phải triển khai xe bọc thép, vòi rồng và phun hơi cay.

"Sâu thẳm bên trong, những người biểu tình biết rằng chúng tôi bám trụ không phải vì chúng tôi mạnh, mà vì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác", nhà hoạt động Joshua Wong viết trên Twitter, cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách "ngăn cản tiếng nói trái chiều của người Hong Kong".

Bình luận viên Lague đánh giá luật an ninh Hong Kong là nước cờ quyết liệt của Trung Quốc, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ với giới lãnh đạo nước này, giữa lúc Bắc Kinh đối mặt áp lực lớn chưa từng có trong nhiều thập kỷ cả trong nước và quốc tế.  

Covid-19 bùng phát cuối năm ngoái ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm tê liệt nền kinh tế thế giới, với hơn 5,5 triệu ca nhiễm nCoV và hơn 347.000 người chết. Những cáo buộc che giấu và chỉ trích về phản ứng ban đầu với đại dịch khiến tâm lý bài Trung Quốc trên thế giới lên mức cao nhất trong vài chục năm.

Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục còn gặp thách thức khi chính quyền Đài Loan, dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn, đang chiếm được cảm tình của cộng đồng quốc tế nhờ kiềm chế Covid-19 thành công, tránh được những tổn hại kinh tế nghiêm trọng. Việc nhiều nước ủng hộ Đài Loan tham dự Đại hội đồng Y tế Thế giới tuần trước với tư cách quan sát viên khiến Trung Quốc tức giận, bởi họ coi hòn đảo là một phần lãnh thổ chờ thống nhất.

Bình luận viên James Griffiths của CNN nhận xét Trung Quốc có thể đang đánh cược vào giả định rằng Covid-19 đã làm suy yếu khả năng, cũng như quyết tâm gây sức ép của cộng đồng quốc tế với họ về vấn đề Hong Kong. Tuy nhiên, phán đoán của Bắc Kinh có khả năng sai lầm. Họ từng đe dọa tẩy chay hàng hóa Australia vì chính phủ nước này kêu gọi mở cuộc điều tra quốc tế về Covid-19, nhưng cuối cùng Trung Quốc cũng ủng hộ cuộc điều tra này.

Kế hoạch áp luật an ninh với Hong Kong còn được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang cả về quân sự, chính trị và kinh tế. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thể hiện thái độ kiên quyết chống lại các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông, cáo buộc Bắc Kinh lợi dụng các nước trong khu vực tập trung chống dịch để thúc đẩy yêu sách chủ quyền phi lý.

Hạm đội Thái Bình Dương của hải quân Mỹ hồi đầu tháng có động thái bất thường, khi tuyên bố toàn bộ đội tàu ngầm tiền phương của họ đang đồng loạt thực hiện "hoạt động ứng phó khẩn cấp" ở Tây Thái Bình Dương. Vị trí các tàu ngầm Mỹ thường được giữ bí mật, trừ khi Lầu Năm Góc muốn phát tín hiệu cảnh báo rằng họ đã sẵn sàng đối phó mối đe dọa. Các tàu chiến và máy bay Mỹ cũng tăng cường diễn tập, tuần tra tự do hàng hải ở eo biển Đài Loan và các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Mỹ còn cảnh báo có thể trả đũa kinh tế đối với Trung Quốc nếu các quyền tự trị của Hong Kong bị đe dọa, khiến trạng thái thương mại đặc biệt của đặc khu rơi vào thế "ngàn cân treo sợi tóc". Trạng thái thương mại đặc biệt này từng giúp Hong Kong không phải chịu các mức thuế mà Mỹ áp đặt với Trung Quốc, nên nếu nó bị tước bỏ, một loạt doanh nghiệp có nguy cơ rời thành phố.

Những tổn hại với Hong Kong, trung tâm tài chính của châu Á và là cửa ngõ vào Trung Quốc, có thể chồng chất thêm khó khăn cho Bắc Kinh trong mục tiêu chấn hưng kinh tế. Ngay cả trước đại dịch, hoạt động thương mại của Trung Quốc vốn đã chậm lại. Tại kỳ họp quốc hội thường niên năm nay, lần đầu tiên nước này bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP, thay vào đó tập trung ổn định việc làm và đảm bảo mức sống sau đại dịch.

Phòng Thương mại Mỹ ở Hong Kong cho hay việc áp luật an ninh "có thể hủy hoại những triển vọng tương lai trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế", bao gồm khả năng tuyển dụng và giữ chân nhân tài tại thành phố. "Không có ai chiến thắng nếu nền tảng giúp Hong Kong đạt vị trí trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế bị tổn hại", Robert Grieves, chủ tịch văn phòng, nhận định.

Theo bình luận viên Lague, động lực cốt lõi thúc đẩy Chủ tịch Tập Cận Bình và đội ngũ lãnh đạo của Trung Quốc ban hành luật an ninh với Hong Kong, bất chấp một loạt rủi ro, là tầm ảnh hưởng mờ nhạt của đại lục tại đặc khu. Những nỗ lực "lấy lòng" người Hong Kong dường như đều không hiệu quả, khi các nhóm theo quan điểm không thân Bắc Kinh thắng lớn trong cuộc bầu cử địa phương năm ngoái.

"Hong Kong có mức độ tự trị cao, nhưng chắc chắn không độc lập với Trung Quốc. Hong Kong là một phần của Trung Quốc, nên nghĩa vụ của đặc khu là bảo vệ an ninh quốc gia", Lương Chấn Anh, cựu trưởng đặc khu Hong Kong, hiện là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, phát biểu.

"Gần 23 năm kể từ khi Hong Kong được trao trả, hệ thống bảo vệ an ninh quốc gia tại đây vẫn còn những thiếu sót, có thể gây tai họa vào thời khắc quan trọng", Lạc Huệ Ninh, giám đốc Văn phòng Liên lạc Chính quyền Trung ương tại Hong Kong, cho hay, nói thêm rằng luật an ninh mới "không cần trì hoãn".

Nguồn dẫn[edit | edit source]