Jump to content

Wn/vi/Nâng cao thu nhập vùng nông thôn: Phát triển sản xuất là cốt lõi

From Wikimedia Incubator
< Wn | vi
Wn > vi > Nâng cao thu nhập vùng nông thôn: Phát triển sản xuất là cốt lõi

Thứ 6, ngày 13 tháng 8 năm 2021

Xác định nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, T.P Sông Công đã tích cực triển khai nhiều giải pháp, trong đó cốt lõi là phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững, nâng cao các tiêu chí đô thị loại II.

Ông Ngô Quảng Bá, Trưởng phòng Kinh tế T.P Sông Công thông tin: Thành phố có 7 phường, 3 xã với trên 13.000 hộ dân ở khu vực thành thị, trên 5.500 hộ ở khu vực nông thôn. Do vậy, bên cạnh tập trung phát triển khu vực kinh tế mũi nhọn là công nghiệp – thương mại, dịch vụ, hằng năm, căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung khai thác tối đa những lợi thế, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Song song với đó, thành phố cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh và phát triển sản xuất; rà soát, đầu tư các trung tâm thương mại, chợ nông thôn. Đồng thời, làm tốt công tác giới thiệu việc làm; tranh thủ tối đa các chương trình khuyến công, khuyến nông, hỗ trợ đào tạo nghề, nguồn vốn phát triển sản xuất cho lao động nông thôn...

Trong 5 năm gần đây, bằng nguồn kinh phí của thành phố và hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp triển khai 8 dự án, 19 mô hình trình diễn cây trồng, vật nuôi; tổ chức trên 500 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật với hơn 26.000 lượt người tham gia.

Về định hướng phát triển nông nghiệp, xác định chè là cây trồng chủ lực đối với các xã, phường: Bá Xuyên, Vinh Sơn, Châu Sơn, T.P Sông Công đã khuyến khích nhân dân đưa vào trồng các giống mới cho năng suất, chất lượng cao; phấn đấu mỗi năm trồng mới, trồng thay thế hơn 20ha chè. Đến nay, diện tích chè trên địa bàn đạt gần 630ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 6.400 tấn; thành phố đã xây dựng 2 vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Bình Sơn và Bá Xuyên với quy mô trên 50ha, gắn với các làng nghề.

Ông Nguyễn Hoài Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết: Với diện tích trên 300ha chè, xã có 5 làng nghề chè truyền thống, 1 HTX hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả sản xuất, công tác giảm nghèo cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo, trong đó chú trọng hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Trong 5 năm qua, thông qua hoạt động ủy thác của Hội Nông dân thành phố với Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân trên 50,8 tỷ đồng cho hơn 1.000 hộ vay vốn; Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT giải ngân cho 46 tổ vay vốn, tổng dư nợ đạt 30,9 tỷ đồng cho 262 lượt hộ vay; Ngân hàng Thương mại CP Bưu điện - Liên Việt Chi nhánh Sông Công giải ngân cho 9 tổ vay vốn, 43 hộ với số tiền 2,1 tỷ đồng. Thông qua hình thức này, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động cũng được T.P Sông Công triển khai hiệu quả. Hằng năm, thành phố phối hợp với các phòng, ban, tổ chức hội, đoàn thể và các xã, phường tổ chức tập huấn, đào tạo các nghề: Sửa chữa xe máy, động cơ diesel, máy nông cụ, sản xuất, chế biến chè, chăn nuôi thú y… cho trên 500 lao động nông thôn. Với lợi thế nhiều khu, cụm công nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, hằng năm, địa phương cũng đã giải quyết việc làm cho trên 1.400 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 5-8 triệu đồng/người/tháng.

Chị Nguyễn Thị Nhung, ở xã Tân Quang chia sẻ: Tôi làm việc tại Chi nhánh may TNG Sông Công đến nay đã gần 10 năm, với mức thu nhập đạt trên 8 triệu đồng/tháng. Nhờ mức thu nhập này, cuộc sống của gia đình tôi ổn định hơn.

Tính đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tại các xã nông thôn trên địa bàn T.P Sông Công đạt trên 42,5 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là trên 10 triệu đồng); tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,8% (năm 2011 là 10%); giá trị sản xuất trung bình/1ha đất trồng trọt đạt 105 triệu đồng/ha (năm 2011 là 56 triệu đồng/ha).

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn ngày càng được nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đến nay, 100% các trạm y tế trên địa bàn thành phố đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 98,2%, trường học các cấp được đầu tư nâng cấp; 47/47xóm ở khu vực nông thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn…

Để tiếp tục nâng cao mức sống cho người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, thời gian tới, T.P Sông Công sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất; tận dụng mọi nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng nguồn vốn để mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...


Nguồn dẫn

[edit | edit source]