Wn/vi/Hong Kong có thể duy trì 'một quốc gia, hai chế độ' sau 2047

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Hong Kong có thể duy trì 'một quốc gia, hai chế độ' sau 2047

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Bà Carrie Lam nói Hong Kong có thể giữ mô hình "một quốc gia, hai chế độ" sau năm 2047, khi thỏa thuận Trung - Anh hết hiệu lực.

"Có đầy đủ lý do tin rằng mô hình 'một quốc gia, hai chế độ' sẽ không thay đổi sau năm 2047", Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm nay nói tại cuộc họp Hội đồng Lập pháp đầu tiên trong năm 2020.

2047 là thời điểm hết hiệu lực của Tuyên bố chung Trung - Anh, trong đó quy định Hong Kong được quyền duy trì hệ thống pháp lý và tiền tệ riêng, độc lập với Trung Quốc đại lục theo mô hình "một quốc gia, hai chế độ" trong thời hạn 50 năm kể từ khi đặc khu được trao trả vào năm 1997.

Bà Lam cho rằng việc nhận thức và thực hiện nguyên tắc này đòi hỏi phải duy trì "nền tảng một quốc gia" và tôn trọng sự khác biệt của "hai chế độ", đồng thời kêu gọi giới trẻ Hong Kong, thành phần chính trong các cuộc biểu tình nhiều tháng qua, không vi phạm nguyên tắc này vì "những hiểu lầm nhất thời".

"Viễn cảnh mà họ lo ngại hiện nay có thể do chính họ gây ra", bà Lam nói, đề cập đến khả năng Hong Kong không được tiếp tục áp dụng mô hình "một quốc gia, hai chế độ" sau 2047.

Biểu tình ở Hong Kong bùng phát từ tháng 6 năm ngoái nhằm phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa nghi phạm đến các khu vực tài phán mà đặc khu chưa ký hiệp ước dẫn độ, bao gồm Trung Quốc đại lục. Nhiều người Hong Kong lo ngại dự luật có thể khiến đặc khu chịu ảnh hưởng lớn hơn từ hệ thống pháp lý của Trung Quốc đại lục.

Chính quyền Hong Kong sau đó rút dự luật, nhưng người biểu tình tiếp tục xuống đường đưa ra các yêu cầu khác như điều tra hành động sử dụng vũ lực của cảnh sát, tổ chức bầu cử dân chủ và kêu gọi bà Lam từ chức. Tuy nhiên, chính quyền Hong Kong kiên quyết bác bỏ những yêu cầu này.

Bắc Kinh cũng phủ nhận cáo buộc can thiệp vào tình hình Hong Kong, cho rằng nước này cam kết thực thi nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" và đổ lỗi cho phương Tây trong việc kích động bất ổn ở đặc khu.

Nguồn dẫn[edit | edit source]