Wn/vi/Cố vấn y tế Mỹ thừa nhận chiến lược xét nghiệm sai lầm

From Wikimedia Incubator
< Wn‎ | vi
Wn > vi > Cố vấn y tế Mỹ thừa nhận chiến lược xét nghiệm sai lầm

Thứ 3, ngày 30 tháng 6 năm 2020

Nhà dịch tễ học hàng đầu Mỹ Fauci cho rằng cách xét nghiệm hiện nay không hiệu quả, có thể cân nhắc chiến lược xét nghiệm gộp tương tự Vũ Hán.

"Có thứ gì đó không hiệu quả", Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Nhà Trắng, ngày 26/6 nói về chiến lược xét nghiệm Covid-19 hiện nay của Mỹ trong cuộc phỏng vấn với Washington Post. "Bạn có thể vẽ mọi loại bảng biểu bạn thích, nhưng có gì đó không ổn".

Khi được hỏi điều không ổn ở đây là gì, Fauci nói rằng Mỹ gặp khó khăn trong việc xác định tình trạng lây nhiễm Covid-19 giữa những người không có triệu chứng và người trẻ, nên hậu quả là rất khó cách ly những cá nhân đó. Ngoài ra, đội ngũ truy vết tiếp xúc của Mỹ đang gặp nhiều rắc rối khi tiếp xúc với các cộng đồng có thể có nhiều người nhiễm nCoV không triệu chứng.

Ông cho biết ban cố vấn chiến lược ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng đang "nghiêm túc cân nhắc" biện pháp xét nghiệm mới, thừa nhận chiến lược xét nghiệm hiện tại không phù hợp. Tuy nhiên, ông nói thêm đề xuất thay đổi chiến lược xét nghiệm vẫn đang trong giai đoạn thảo luận.

Dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần hạ thấp nhu cầu gia tăng xét nghiệm, số ca nhiễm liên tục tăng cao tại Mỹ trong thời gian gần đây cho thấy sự bất lực của chính quyền trong việc kiểm soát dịch.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đứng đầu ủy ban chống Covid-19 của Nhà Trắng, trong cuộc họp báo hôm 26/6 tuyên bố "tất cả 50 bang và vùng lãnh thổ trên nước Mỹ đang dần mở cửa một cách an toàn và có trách nhiệm", dù thực tế số ca nhiễm mới gia tăng ở nhiều bang và 8 bang đã ngừng kế hoạch tái mở cửa.

Một nguồn tin thân cận với nhóm chuyên trách chống Covid-19 của Nhà Trắng cho hay nội bộ nhóm đang nảy sinh mâu thuẫn về chiến lược xét nghiệm.

Một số người cảm thấy Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) không xử lý tốt việc xét nghiệm ngay từ đầu. Họ cho rằng "không thể tin nổi" đến bây giờ chính phủ vẫn chưa đưa ra chương trình xét nghiệm phổ quát như xét nghiệm kháng nguyên, loại thường được sử dụng để phát hiện nhanh virus cúm. Nguồn tin này cũng nhắc tới sự cần thiết của phương pháp "xét nghiệm gộp", phương pháp có thể mở rộng quy mô và số lượng người được xét nghiệm.

Xét nghiệm gộp, nghĩa là trộn mẫu của nhiều người lại với nhau thành một nhóm, sau đó xét nghiệm mẫu gộp. Phương pháp này có thể giúp sàng lọc 25 người chỉ bằng một xét nghiệm, thay vì làm 25 xét nghiệm riêng lẻ. Nếu phát hiện một mẫu gộp dương tính, giới chức y tế sẽ tiến hành xét nghiệm lại từng người trong nhóm.

Xét nghiệm như thế nào là vấn đề khiến chính phủ Mỹ đau đầu khi đối phó đại dịch. Chiến lược xét nghiệm ban đầu mà CDC đưa ra là trao quyền cho các phòng xét nghiệm y tế công đã chứng minh không hiệu quả. Hai tháng trước, tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên chương trình ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng, nhận định Mỹ cần một chiến lược xét nghiệm "đột phá" để sàng lọc số lượng lớn.

Chiến lược này được nhóm chuyên trách ứng phó Covid-19 của Nhà Trắng xem xét sau khi Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đưa ra khuyến nghị xét nghiệm hàng loạt hồi đầu tháng. Xét nghiệm gộp cũng là mô hình được chính quyền thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, tiến hành tháng trước để nhanh chóng sàng lọc hơn 9 triệu người.

"Những gì cần làm là tìm ra những người bị nhiễm trong cộng đồng", Fauci nói. "Cách duy nhất có thể tìm ra là xây dựng một tấm lưới sàng lọc lớn hơn".

Hồi đầu tuần, Brix cho hay nhiều quốc gia đã sử dụng xét nghiệm gộp và cho rằng cách tiếp cận này có thể mở rộng vốn hiểu biết về cách thức và địa điểm virus lây lan.

"Chúng ta đã tăng xét nghiệm từ 1.000 mẫu mỗi ngày tới hơn 500.000 mẫu một ngày trong chưa đầy ba tháng, nhưng vẫn cần đổi mới xét nghiệm và tôi cho rằng nó không chỉ là việc làm nhiều xét nghiệm hơn", Brix phát biểu trong một hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Vi sinh học Mỹ hôm 22/6.

Mỹ hiện nay ghi nhận hơn 2,5 triệu ca nhiễm và gần 128.000 người chết do nCoV, trong khi giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Robert Redfield ước tính số ca nhiễm thực tế cao gấp 10 lần trường hợp được ghi nhận, tức là khoảng hơn 20 triệu người Mỹ có thể đã nhiễm nCoV mà không được phát hiện.

Nguồn dẫn[edit | edit source]